KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

[ Tóm Tắt & Review Sách ] : "Thế Giới Như Tôi Thấy" - Giấc Mơ Của Những Nhà Khoa Học Thế Kỷ 21

 


[ Tóm Tắt & Review Sách ] : "Thế Giới Như Tôi Thấy" - Giấc Mơ Của Những Nhà Khoa Học Thế Kỷ 21

📽️

Đôi nét về tác giả


Albert Einstein (1879 – 1955) đã cho chúng ta thấy rất nhiều thứ mà lịch sử không thể chứng minh. Thế giới gọi ông là thiên tài, một nhà khoa học chủ nghĩa hoà bình. Tình cờ khi đọc cuốn sách về ông trong lúc tôi cũng đang xem một bộ phim về Einstein mang tên : Einstein and the bomb và bất ngờ nhận ra rằng mọi thứ chúng ta thấy chỉ là lớp vỏ của một loại hạt. Và như bạn đã biết thì tất cả chúng đều tốt cho sức khoẻ nếu bạn sử dụng đúng cách. Albert Einstein là người gốc do thái và được sinh ra tại nước Đức, ông rời nước Đức khi chứng kiến cảnh toàn thể người dân Châu Âu đổ gục trước chủ nghĩa phát xít do Hitler lãnh đạo. Năm 1933, ông tới nước Mỹ và kể từ đó không bao giờ quay lại Châu Âu. 

Tóm Tắt 


THẾ GIỚI NHƯ TÔI THẤY 


“ Tình cảnh này của những đứa con Trái Đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng : ta đến đây vì người khác - trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc vào sự yên ấm của họ, kể đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông. “


Các nhà khoa học luôn có cái nhìn rất khác về thế giới và đời sống của con người trong xã hội, một minh chứng cho thấy rằng chu kỳ về sự sống vẫn luôn diễn ra và đảm bảo cho trật tự của Trái Đất chính là Con Người với các công trình nghiên cứu văn hoá nghệ thuật ngày càng trở nên độc đáo, rực rỡ. Sau khi các nhà khoa học khám phá về vũ trụ và các hành tinh khác thì đều có nhận xét chung là hành tinh của chúng ta mang một vẻ đẹp của tự nhiên mềm mại như nước và có màu xanh của hệ thực vật phong phú. Chính điều đó đã nhắc nhở và dẫn đến rất nhiều hành động ủng hộ cho bảo vệ hoà bình, bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh này. Tôi nghĩ chính cái vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ đó đã thức tỉnh lương tâm, và trái tim của những đứa con Trái Đất. 


“ Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường cảm thấy dằn vặt, rằng mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho cả thể xác lẫn tâm hồn.”


Phần lớn cuốn sách Einstein giải thích cho tất cả những hành động và phát minh của ông đều đến vì mục đích giúp đỡ cho khoa học phát triển và củng cố nền hoà bình đang bị đe dọa vì những khủng hoảng do chính trị bất ổn và các hành động bạo lực mà quân đội gây ra đối với người dân vô tội. Và bằng cảm nhận trực quan của chính mình ông đã nêu lên một cách chi tiết về những sự thay đổi bất thường trong chính suy nghĩ của con người và nó đã góp phần quyết định cho những lựa chọn sai lầm mà chúng tạo ra. Chúng ta một con người độc lập và cô đơn sẽ không thể nào tạo ra được sức mạnh để làm thay đổi thế giới, nhưng bằng cách nào đó thế giới lại giúp đỡ và ban ơn cho những kẻ khờ có suy nghĩ và biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau và sự bất hạnh của thế giới để tìm kiếm một cơ may nào đó nhằm khôi phục lại những giá trị tự nhiên nhất của con người. Ông cho rằng “ Giá trị đích thực của một con người là khi anh ta đã giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.” Hình ảnh của một vị lãnh tụ được coi là vĩ nhân bởi vì ông ta có một lương tâm cá nhân khiến những người khác chịu khuất phục và ông ta dùng chính điều đó để phục vụ cho nhà nước. Điều đó đồng nghĩa rằng ông ta hoàn toàn vứt bỏ những suy nghĩ cá nhân hay sự giận dữ mà ông ta nhận được để đạt tới sự tự do tâm trí. Và bằng cách đó con người sẽ cảm nhận được giá trị của lòng biết ơn, trở nên nhạy cảm với nỗi đau của người khác, sẵn sàng cống hiến vì mục đích hòa bình và nhân loại. 

Về Tôn Giáo, tất cả những gì cho đến nay mà con người có thể hiểu được rằng Tôn Giáo chính là những thủ lĩnh tinh thần đã xây dựng nên tư duy và những trải nghiệm để giải thích, hướng dẫn con người trong cuộc sống xã hội. Thực chất Tôn giáo được con người tin tưởng và đôi lúc giao phó cả quyết định bởi vì tính lịch sử và những bài học mà Tôn giáo xây dựng đã in sâu vào tiềm thức của con người giống như người cha, mẹ. Và bảo vệ cho những linh hồn non trẻ đang tìm nơi nương náu, cùng có nghĩa là sự quan tâm yêu thương và che chở của các loại hình tôn giáo sẽ giúp con người tìm ra những lời giải cho bản thân. Tôn giáo theo như Einstein chia sẻ có nhiều loại hình để phục vụ cho nhiều nhóm đối tượng con người, “ tôn giáo của các dân tộc sơ khai thuần tuý là tôn giáo sợ hãi, còn tôn giáo của các dân tộc văn mình là tôn giáo luân lý” .


“ Điểm chung của tất cả các loại hình tôn giáo kể trên là tính nhân hình của ý niệm về Thượng Đế. Thường chỉ có những cá nhân có thiên tư đặc biệt tiềm tàng xuất chúng và những cộng động đặc biệt cao quý mới có thể thực sự nâng mình vươn lên khỏi cấp độ này của trải nghiệm tôn giáo. Song trên tất cả, còn có một cấp độ thứ ba của trải nghiệm tôn giáo dù nó ít khi xuất hiện ở dạng thuần tuý. Tôi muốn gọi đó là ĐẠO VŨ TRỤ . Rất khó giải thích ý niệm này cho những ai hoàn toàn không có nó, một phần vì nó không giống với ý niệm về Thượng đế nhân hình.

 Làm sao có thể truyền đạt Đạo vũ trụ từ người này sang người khác, dù nó không hề dẫn tới một ý niệm khuôn mẫu về Thượng Đế cũng như một nền thần học nào cả? Theo tôi nghĩ, chức năng quan trọng nhất của nghệ thuật và khoa học là đánh thức cảm xúc này ở những người thụ nhận chúng và giữ cho nó luôn sống động. “

 

Cho đến giờ nền khoa học đã dẫn dắt con người tới khái niệm về Vũ trụ vậy có thể hiểu Vũ trụ chính là ranh giới của con người. Tôi không thể biết được ở thế giới khác liệu vũ trụ của chúng ta có thay đổi gì không nhưng hiện nay với ý thức của một con người và lòng biết ơn với thế giới này thì sự nhận thức, và những trải nghiệm mà tôn giáo đem lại cho chúng ta là những bài học về niềm tin và sức mạnh của lẽ phải hay số đông mà chúng ta nhận được. “Dưới cái nhìn lịch sử, người ta dễ dàng nhận định rằng tôn giáo và khoa học là hai địch thủ không đội trời chung “ nhưng Vũ trụ đã chỉ cho chúng ta thấy rằng tôn giáo và khoa học có thể cùng nhau học hỏi và phát triển. 


“ Chính trị và nghệ thuật “ liệu có thể trở thành vị cứu tinh cho nhân loại không. Thế kỷ 21 chúng ta tận mắt chứng kiến chiến tranh đã kết thúc và mảnh vỡ từ bộ máy chính trị cũ nát dần dần trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật văn học, điện ảnh, thi ca. Dường như những chủ đề xoay quanh chiến tranh và hòa bình trở nên vô cùng ý nghĩa cấp thiết và mang giá trị to lớn trong việc khích lệ nuôi dưỡng ý chí của con người.

Và bằng cách nào đó vì những điều gần gũi nhau có thể trở nên giống nhau và chúng biến đổi để hoà làm một. Đó như một minh chứng cụ thể cho rất nhiều những ngôi sao và các chính khách trở thành nhóm đối tượng được quan tâm. Bằng sự xuất hiện của họ thế giới biết đến tính nghệ thuật trong đời sống và các hoạt động để gìn giữ bảo vệ nền hòa bình. Nhiều người quan tâm tới chính trị vì ý nghĩa của nó là bảo vệ cho sự chính trực công bằng và cai trị đối với một nhà nước. Nên những hoạt động chính trị cần thiết phải có văn hoá đạo đức. Là một công dân sống trong nền hòa bình độc lập và trải qua những cuộc chiến dai dẳng ý thức của tôi về đạo đức văn hoá gắn liền với mạch sống. Nghĩa là một người hoàn toàn có thể sống khoẻ mạnh dựa vào niềm tin với chính trị và nghệ thuật bỏ qua các yếu tố của cải và vật chất. 


“Chính trị và chủ nghĩa hoà bình “cùng những đóng góp cho nhân loại là thước đo về sự tiến bộ trong nhận thức của con người. Tất cả chúng ta đều biết rằng một bộ máy chính trị được vận hành tốt sẽ thực hiện hiệu quả công việc của một nhà nước. Và chủ nghĩa hoà bình đi sâu vào mong muốn của con người đối với nhà nước và quốc gia của họ. Nhân loại hi vọng hoà bình và những hành động đem đến sự bảo đảm cho cuộc sống, và yếu tố này nhằm đem đến một thỏa thuận chặt chẽ về sự phát triển trên mọi lĩnh vực như chúng ta đã thấy, không có chiến tranh sẽ không có thương vong quá lớn các nhà khoa học có thể tập trung phát triển những lĩnh vực như Y tế, Vũ trụ, Quản lý tài nguyên, Phát triển Công nghệ để nâng cao đời sống cho con người. Điều đó chính là những giá trị mà chủ nghĩa hòa bình đem lại, quốc gia nào làm tốt vai trò của mình sẽ đem đến sự tín nhiệm đối với người dân và từ đó giá trị của một đất nước sẽ được nâng lên dựa trên chất lượng cuộc sống và giá trị kinh tế mà họ đem lại. 


Bức Thư Gửi Tới Những Người Yêu Chuộng Hoà Bình


“ Tôi được biết là các bạn đang âm thầm thực hiện những điều lớn lao bằng cả tâm hồn cao thượng của mình, được thúc đẩy bởi sự lo lắng cho những con người và số phận của họ. Chỉ ít người có khả năng tự nhìn bằng chính đôi mắt cũng như tự cảm nhận bằng chính trái tim của mình. Liệu loài người có rơi trở lại trạng thái mông muôi, trạng thái dường như đang được coi là mục tiêu của đám đông bị lừa phỉnh hay không, điều này phụ thuộc vào sức mạnh của những người đó.

  Các dân tộc nên kịp hiểu rằng, họ phải hy sinh các quyền tự quyết dân tộc của mình nhiều biết chừng nào, để tránh khỏi cuộc chiến tranh mà tất cả mọi người chống lại nhau!

 Sức mạnh của lương tâm và của tinh thần quốc tế tỏ ra còn quá yếu ớt. Giờ đây, quyền lực ấy thể hiện sự yếu đuối đến mức nó dung dưỡng một sự thỏa hiệp với những kẻ thù xấu xa nhất của nền văn minh. Đó là một kiểu hoà giải đồng nghĩa với tội ác chống lại loài người, mặc dù người ta lại huênh hoang cứ như thể đó là sự sáng suốt chính trị.

Chúng ta không thể mất hy vọng ở con người, bởi vì bản thân chúng ta cũng chính là con người. Và quả là một niềm an ủi khi còn có những nhân cách như các bạn, những người có thật và ngay thẳng như chúng ta đang thấy. “ 


“ Hướng đến anh ninh của nhân loại” hẳn là sau thế chiến thứ 2 cả thế giới đều ngỡ ngàng trước sự sụp đổ của các nước phát xít Nhật Bản và Đức Quốc Xã là hai hình ảnh đau lòng của con người về những dân tộc có một tinh thần bất khuất nhưng họ lại thua vì chọn sai mục đích của chiến tranh. Điều đáng nói ở đây, những quốc gia tham chiến đều đã nhận được bài học của mình nhưng đối với Nhật Bản thì sự kiện 2 quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima là sự mất mát to lớn đầy đau buồn. Những ảnh hưởng mà nó mang lại cho tới mãi tận bây giờ vẫn là những nỗi đau về thể xác và tinh thần khó có thể nguôi.

“ Sự khám phá ra các phản ứng dây chuyền của nguyên tử không đòi hỏi con người thực hiện việc tàn phá nhiều hơn là việc phát minh ra que diêm.”

Vâng nếu như vậy thì phải chăng mỗi một hành động của con người cũng đều có thể mang đến sự rủi ro cho thế giới. Và các nhà khoa học thì càng cần ý thức hơn trong việc tạo ra những giá trị để phục vụ nhân loại vì mục đích mới là chiếc chìa khóa dẫn đến thành công. Bằng sự bảo đảm cho nền hòa bình, Albert Einstein đã mang đến những thắng lợi lớn cho khoa học và đến nay nhân loại vẫn nhắc tới ông như một người đã cống hiến và đấu tranh vì mục đích hòa bình của thế giới.


“ Các thế hệ trước đây đã có thể tin rằng, những tiến bộ về tinh thần và văn minh, đối với họ, không phải là một cái gì khác hơn là những thành quả được thừa hưởng từ lao động mà tổ tiên đã tạo ra, những thành quả đảm bảo cho họ một cuộc sống dễ chịu hơn và tốt đẹp hơn. Những tai hoạ lớn của của thời đại chúng ta đã chỉ ra rằng, điều này đã chỉ là một ảo tưởng nguy hiểm. 

  Chúng ta thấy rằng, phải thực hiện những nỗ lực lớn nhất để di sản này của nhân loại không mang đến điều bất hạnh, mà mang đến điều hạnh phúc. Nếu trước đây, con người đã từng được coi là có giá trị xã hội khi được giải phóng ở mức độ nào đó khỏi thói ích kỷ cá nhân, thì hiện nay, con người được đòi hỏi phải vượt qua được thói ích kỷ giai cấp và dân tộc của mình. Bởi vì chỉ khi vượt lên cao như vậy, con người mới có thể đóng góp vào việc thay đổi số phận của cộng đồng nhân loại theo hướng tốt hơn.” 


Đối với Einstein “ Chúng ta - Những người thừa kế di sản “ là những tác nhân sẽ tạo ra giá trị lớn cho cộng đồng quốc tế - dân tộc. Và điều cốt yếu của hai chữ di sản theo bạn hiểu sẽ là giá trị mà bạn muốn tạo dựng cho nhân loại thế giới.Ở Việt Nam, tất cả đều biết rằng di sản duy nhất là những bài học lịch sử về sự bảo vệ độc lập và chủ quyền cho quốc gia . Vì vậy hi vọng rằng những giá trị này sẽ tiếp tục được thế hệ các bạn trẻ hết mình phục vụ và lao động cho tinh thần của một tập thể to lớn, vững mạnh và sớm hoà nhập với quốc tế. 


 “ Tự Ngôn

Tháng 3 năm 1933 

   Chừng nào tôi còn quyền lựa chọn, tôi sẽ chỉ lưu lại xứ sở nào mà quy tắc của nó là tự do chính trị, khoan dung, và bình đẳng giữa mọi công dân trước luật pháp. Tự do chính trị nghĩa là quyền tự do phát biểu quan điểm chính trị của mình bằng lời nói và bằng văn bản; khoan dung là tôn trọng mọi xác tín của bất kỳ cá nhân nào. 

   Những điều kiện đó không thể có được ở nước Đức hiện nay. Những người đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới, trong đó có những văn nghệ sĩ hàng đầu đang bị truy bức ở Đức.

   Bất kỳ cơ thể xã hội nào cũng có thể bị mắc bệnh tâm lý như một cá nhân, nhất là trong những thời khốn khó. Các dân tộc thường vượt qua được những cơn bệnh như vậy. Tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa bầu không khí lành mạnh sẽ trở lại với nước Đức và những vĩ nhân như Kant và Goethe sẽ không chỉ thỉnh thoảng mới được tưởng niệm mà những nguyên tắc được họ truyền dạy sẽ là những nguyên tắc được thực hiện trong đời sống công cộng và trong ý thức chung.“ 

Những lời lẽ chân thành và đầy quyết tâm cho một nền chính trị và nhà nước tự do đã khiến tinh thần của giới trẻ quan tâm đến những vấn đề xã hội hiểu được ý nghĩa của việc phục vụ dân tộc là phục vụ tự do và dân chủ. Lấy cơ sở nhà nước chính trị khoan dung, minh bạch và bình đẳng Einstein đã thể hiện “Tự Ngôn” lấy ý tưởng từ lời thú tội trước “Chúa” để thể hiện rằng chính trị tự do cũng cho phép con người được mắc sai lầm , và thừa nhận những quan điểm được chấp nhận có thể cởi mở một cách công khai để củng cố những lý lẽ và lập luận phản bác lại luật pháp nhà nước. Mang đến một thông điệp hết sức rõ ràng. Mở ra cho những người trẻ một hướng đi mới về tư tưởng chính trị nhà nước, đưa ý thức về sự công bằng lên một giá trị cao hơn trên tôn giáo và phản ánh tinh thần của một đất nước lớn mạnh. 

 “ Tự do chính trị nghĩa là quyền tự do phát biểu quan điểm chính trị của mình bằng lời nói và bằng văn bản; khoan dung là tôn trọng mọi xác tín của bất kỳ cá nhân nào.” hay “ Bất kỳ cơ thể xã hội nào cũng có thể bị mắc bệnh tâm lý như một cá nhân, nhất là trong những thời khốn khó. Các dân tộc thường vượt qua được những cơn bệnh như vậy.”

“ Lý tưởng do thái 

   Mưu cầu tri thức vì bản thân tri thức, một tình yêu hầu như sùng bái đối với công lý, và lòng khao khát độc lập cá nhân - đó là những đặc trưng của truyền thống dân tộc Do Thái khiến tôi cảm thấy việc tôi thuộc về dân tộc đó như là một quà tặng của số phận. 

   Những ai ngày nay đang điên cuồng chống lại các lý tưởng về lý trí và tự do cá nhân và đang ra sức dựng lên một nhà nước phi tinh thần - một nhà nước nô dịch bằng bạo lực, những kẻ đó hẳn có lý khi xem chúng tôi như kẻ thù không đội trời chung. Lịch sử đã cho chúng ta một số phận đầy gian khổ; song chừng nào chúng ta còn là những đầy tớ hết lòng cung hiến cho sự thật, chân lý và tự do, chúng ta sẽ không chỉ vẫn sống còn với tư cách là một trong các dân tộc lâu đời nhất trong mọi dân tộc, mà còn, bằng lao động sáng tạo, tiếp tục làm ra những giá trị đóng góp vào việc làm cho nhân loại ngày thêm cao quý như chúng ta đã làm từ ngàn xưa đến tận ngày này.”

Albert Einstein đã từng được mời làm tổng thống Israel và ông từ chối. Ông sinh ra trong một người Do Thái và có thái độ rất quyết liệt trong việc phản đối quân đội Đức bắt giam những người gốc Do Thái. Chính điều đó đẩy ông đến quyết định rời khỏi Nước Đức, và một trong những hành động của ông đã gây nên “ Cuộc Đấu Tranh Chống Đức Quốc Xã” Đã có rất nhiều bức thư và lời hồi đáp giữa ông và các tổ chức thế giới để bàn bạc về các vấn đề để xảy ra với dân tộc Do Thái và nhiều bức thư trong đó chỉ trích ông bôi nhọ các nước Pháp và Đức trong thời gian ông ở Mỹ. 


Thư trả lời của Einstein 

“ Bằng thư này tôi tuyên bố tôi chưa bao giờ tham gia vào hoạt động bôi nhọ, và tôi phải nói thêm rằng tôi chưa bao giờ nhìn thấy chuyện bôi nhọ đó ở bất cứ đâu. Ở đây, người ta nói chung đành hài lòng với việc dẫn lại và bình luận về các thông báo chỉ thị chính thức của các viên chức hữu trách của Chính phủ Đức, cũng như về chương trình tiêu diệt người Đức gốc Do Thái bằng những phương thức có hiệu quả và tiết kiệm.

 Các tuyên bố tôi đã cung cấp cho báo chí đều liên quan đến việc tôi có ý định từ chức khỏi viện Hàn Lâm và từ bỏ quốc tịch Phổ; lý do là là tôi không muốn sống ở một đất nước nơi cá nhân không được bình đẳng trước pháp luật, không có tự do ngôn luận, tự do học thuật.

 Sau nữa, tôi mô tả tình trạng của nước Đức hiện nay là tình trạng của bệnh tâm thần tập thể, và đưa vài nhận xét về nguyên nhân của tình trạng đó. 

  Trong một văn bản vốn được gửi cho mục đích vận động của Liên đoàn Quốc tế chống chủ nghĩa bài Do Thái chứ hoàn toàn không phải để đăng báo, tôi cũng kêu gọi tất cả những ai có lý trí sáng suốt, vẫn còn trung thành với những lý tưởng của một nền văn minh đang bị lâm nguy, hãy làm tất cả để ngăn ngừa không cho lan tràn hơn nữa cái cơn hoang tưởng tập thể này, cơn hoang tưởng đang biểu hiện thành những triệu chứng khủng khiếp ở nước Đức hiện nay.”


Nhận xét về cuốn sách

Dành cho những ai đam mê khoa học và muốn hiểu mục đích của nghiên cứu khoa học để làm gì? Cuốn sách này không chỉ là câu trả lời mà có đưa ra nhất nhiều chỉ dẫn giúp bạn đọc có thể dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ nền hòa bình thế giới. Đó cũng là mục đích chung của các hệ thống khoa học, chính trị và nghệ thuật trên thế giới, muốn hướng con người đến giá trị tinh thần và ý nghĩa của hoà bình giữa các dân tộc. Nhìn vào thế giới ngày hôm nay và bạn có thể thẳng thắn nói lên những cảm nhận của bản thân mình liệu rằng con người thực sự có bao nhiêu phần trăm hạnh phúc, ngay cả trước những chiến thắng của khoa học hiện đại. 

Những vấn đề được Einstein đề cấp đến nay vẫn còn và sẽ tiếp tục lặp lại nếu nhân loại không dừng việc sử dụng quyền lực và giao phó chính trị cho những nhà lãnh đạo quên mất mục đích chung của thế giới là phát triển bình đẳng hòa bình. Đã có những bài học được đưa ra về Nước Đức, Người Do Thái, chủ nghĩa dân tộc bị loại bỏ và những tư tưởng mới mang lại thắng lợi cho thế giới. Có rất nhiều điều bất ngờ được mở ra khi lật giở những trang về “ Chính trị và Chủ Nghĩa Hoà Bình” và sự phục vụ cũng những đóng góp của khoa học cho nhân loại đến nay. Chúc bạn có những giờ phút chiêm nghiệm với bản thân về ý nghĩa thực sự của sống qua tâm sự của Albert Einstein. 

Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank