HIỆU ỨNG DUNNING–KRUGER: TẠI SAO "CÀNG NON" LẠI CÀNG TỰ TIN?
Bạn có từng gặp những người chỉ mới học lỏm vài khái niệm nhưng đã tự tin phát biểu như chuyên gia? Họ không phải cố tình “tỏ vẻ” đâu mà rất có thể họ đang mắc phải hiệu ứng Dunning-Kruger, một hiện tượng tâm lý cực kỳ phổ biến trong đời sống.
Hiệu ứng Dunning-Kruger xảy ra khi chúng ta đánh giá khả năng của mình cao hơn thực tế. Đơn giản vì khi biết quá ít, chúng ta lại không đủ thông tin để nhận ra mình còn thiếu sót ở đâu. Hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger đã chứng minh điều này qua những nghiên cứu về khả năng logic, ngữ pháp và mức độ hài hước: những người có điểm số thấp nhất lại thường tự tin rằng họ làm rất tốt.
Trong đầu chúng ta, hiệu ứng này vận hành theo một "hành trình cảm xúc". Ban đầu, khi chưa biết gì, chúng ta không dám tự tin. Nhưng chỉ cần biết một chút, sự tự tin lại bùng nổ – đến mức leo lên cái gọi là “đỉnh cao thiếu hiểu biết” (Peak of Mount Stupid). Rồi sau đó, càng học sâu, càng nhận ra sự phức tạp, sự tự tin tụt dốc thảm hại, rơi vào "thung lũng thất vọng" (Valley of Despair). Nếu kiên trì bước tiếp, hiểu biết và sự tự tin sẽ dần tăng trưởng trở lại, đến khi ta đạt được trạng thái "cao nguyên bền vững" - vừa giỏi, vừa biết rõ giới hạn bản thân.
Hiệu ứng Dunning-Kruger không chỉ khiến ta tự đánh giá quá cao khả năng của mình, mà còn làm ta khó nhận ra sự tinh thông của người khác. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin, quyết định và cả khả năng học hỏi. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy nữ giới làm bài kiểm tra khoa học tốt ngang nam giới, nhưng vì tin rằng mình kém, họ thường từ chối tham gia vào các cuộc thi. Thiếu sự tự nhận thức chính xác, chúng ta dễ bỏ lỡ cơ hội và khó lòng tiến bộ hơn.
Vậy làm sao để không mắc kẹt trong hiệu ứng này? Câu trả lời là: phải lắng nghe người khác nhiều hơn, nhất là những ý kiến phản hồi từ người có kinh nghiệm. Đừng ngại hỏi, đừng sợ bị phê bình. Song song đó, hãy không ngừng học hỏi. Khi kiến thức càng rộng, bạn sẽ càng nhận ra mình chỉ mới đi những bước đầu tiên trên con đường dài. Và cuối cùng, rèn luyện tư duy phản biện là điều không thể thiếu - luôn tự hỏi: "Liệu những gì mình biết đã đủ đúng chưa?" - đó là cách tốt nhất để không tự tin mù quáng và luôn mở rộng tầm nhìn.