KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

[Tóm Tắt & Review Sách] “Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người": Thấu Hiểu Tâm Lý - Đọc Vị Con Người

 


[Tóm Tắt & Review Sách] “Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người": Thấu Hiểu Tâm Lý - Đọc Vị Con Người

GIỚI THIỆU SÁCH NHỮNG QUY LUẬT CỦA BẢN CHẤT CON NGƯỜI

        Quyển sách Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người là một nỗ lực tập hợp lại kho tàng tri thức và ý tưởng mênh mông này từ những nhánh khác nhau trong lĩnh vực tâm lý học. Robert Greene mong muốn đưa tới một hướng dẫn chính xác và hữu ích về bản chất con người, dựa vào chứng cứ chứ không phải những quan điểm riêng biệt hay những xét đoán về đạo đức.

        Có thể nói, quyển sách này là một đánh giá thực tế và khách quan đến mức tàn nhẫn về loài người chúng ta. Hãy xem Những Quy Luật của Bản Chất Con Người là một dạng bảng mã để giải mã hành vi của con người - bình thường, lạ lùng, tiêu cực và toàn bộ các sắc thái. Mỗi chương trong quyển sách sẽ xử lý một khía cạnh cụ thể hoặc quy luật cụ thể của bản chất con người.

        (Đọc thêm về tác giả tại đây)

BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC GÌ KHI ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY?

    • Đầu tiên, Những quy luật sẽ giúp bạn trở thành một kẻ quan sát mọi người một cách điểm tĩnh hơn và có đầu óc chiến lược hơn, giúp giải phóng bạn khỏi mọi cảm xúc kịch tính khiến bạn kiệt sức một cách không cần thiết.
    • Thứ hai, Những quy luật sẽ giúp bạn trở thành một bậc thầy diễn kịch đối với những ám chỉ mà mọi người liên tục phát ra. Và mang đến cho bạn khả năng lớn hơn trong việc xét đoán hành vi của mọi người.
    • Thứ ba, Những Quy luật sẽ giúp bạn có khả năng chống trả và chiến thắng trong cuộc đấu trí với những dạng người xấu xa vốn chắc chắn sẽ cản đường đi của bạn, và có khuynh hướng gây ra sự tổn hại lâu dài về cảm xúc. 
    • Thứ tư, Những quy luật sẽ chỉ cho bạn những đòn bẩy thật sự để thúc đẩy và tác động tới mọi người, giúp cho con đường của bạn trong cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
    • Thứ năm, Những quy luật sẽ giúp bạn nhận ra các nguồn lực của bản chất con người hoạt động sâu như thế nào bên trong bạn. Mang tới cho bạn khả năng thay đổi những khuôn mẫu tiêu cực của chính mình. 
    • Thứ sáu, Những quy luật sẽ chuyển hóa bạn thành một con người biết cảm thông, tạo ra những liên kết sâu sắc và vừa ý hơn với mọi người xung quanh bạn.
    • Cuối cùng, Những quy luật sẽ chuyển đổi cách bạn nhìn nhận tiềm năng của chính mình, giúp bạn nhận thức được cái tôi lý tưởng, cao hơn trong bạn, kẻ mà bạn muốn thể hiện.


TÓM TẮT CUỐN SÁCH

        
      Với cuốn sách dày gần 1000 trang này của Robert Greene là một tuyệt tác mang tính khoa học và nghệ thuật trong việc giải nghĩa về bản chất con người. Đó cũng là một thách thức đối với tôi trong việc tóm tắt tối đa những ý chính hay nhất nhằm phục vụ cho bạn đọc có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong nghiên cứu này của Robert Greene. Nhưng dẫu sau tôi cũng phải nói trước rằng: bài tóm tắt của tôi sẽ lược đi rất nhiều các dẫn chứng khoa học của tác giả, mà chỉ mang đến cho bạn những kết luận nghiên cứu. Vì thế nếu bạn không bị thuyết phục. Hãy nghiên cứu thêm trong cuốn sách này nhé. Còn nếu bạn muốn tranh luận thêm - đừng ngần ngại để lại bình luận. Xin cám ơn bạn!

        Quyển sách này bao gồm 18 quy luật về bản chất con người được chia thành 18 chương. Vì vậy khi viết, tôi đã rất đắn đo: không biết sẽ phải tổng hợp như thế nào để các bạn có thể hình dung. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định sẽ tóm tắt 6 quy luật của bản chất con người. Những quy luật này hứa hẹn sẽ giúp đỡ bạn trong việc quan sát và đọc vị người khác. Từ đó giúp bạn có được những sự chuẩn bị chiến lược phù hợp khi đối diện với người khác. Phòng ngự hay tấn công? - tất cả sẽ tùy thuộc vào bạn đọc vị người khác đúng như thế nào!.


1. QUY LUẬT CỦA SỰ THIẾU SÁNG SUỐT

        Bản chất con người không thể chống lại sự tác động của cảm xúc. Dù bất kể bạn là ai, ngay cả những người thông thái nhất - một chuyên gia hay một nhà khoa học duy lý cũng không thể không có những khoảnh khắc bị chi phối bởi cảm xúc, mà tác giả gọi là “Thiếu sáng suốt”.

        Hãy tự chất vấn: có phải bạn luôn thích tưởng tượng rằng mình kiểm soát được số phận bản thân, hay hoạch định một cách có ý thức con đường đời của mình theo hướng tốt nhất có thể đúng không? Nhưng thực tế được chứng minh bằng khoa học và nghiên cứu của tác giả, hầu hết bạn đều không nhận ra được rằng những cảm xúc luôn chi phối bạn sâu sắc đến mức nào. Chúng khiến cho bạn xoay về phía những ý tưởng vuốt ve cái tôi của bạn. Chúng khiến bạn nhìn thấy những gì bạn muốn thấy, tùy vào tâm trạng của bạn. Hẳn là bạn luôn xem những ai bất đồng với bạn là người “thiếu sáng suốt”? Hoặc rất nhiều lần bạn lao vào hành động mà không cẩn trọng cân nhắc những kết quả và hậu quả cho đến khi sự việc xảy ra thì lại hối hận?

        Thông thường những người thiếu sáng suốt sẽ để lộ những khuôn mẫu tiêu cực trong cuộc sống của họ - những sai lầm cứ lặp đi lặp lại, những xung đột không cần thiết vốn theo sau họ ở bất cứ nơi nào họ tới. Những người thiếu sáng suốt điển hình là người trở nên dễ xúc động cực độ khi bị nghi ngờ về những nguồn gốc cảm xúc trong các quyết định của mình. 

“Sự sáng suốt là khả năng hóa giải những hiệu ứng cảm xúc này, để tư duy thay vì phản ứng, để mở rộng tâm trí bạn tới điều đang thực sự diễn ra - thường trái ngược hẳn với điều bạn đang cảm thấy.” - Robert Greene.

        Vậy làm cách nào để giảm thiểu tác động của cảm xúc lên quá trình quyết định của chúng ta? Rất may, Robert Greene đã nghiên cứu và đưa ra Vậy làm cách nào để giảm thiểu tác động của cảm xúc lên quá trình quyết định của chúng ta? Rất may, Robert Greene đã nghiên cứu và đưa ra tiến trình 3 bước để đạt “Sự sáng suốt”:

Bước 1: Nhận diện những định kiến - bao gồm 6 loại định kiến:

    1. Định kiến Xác quyết: Con người chỉ muốn tin điều mà họ muốn tin. Hãy tự hỏi: có phải bạn luôn cố gắng tìm kiếm chứng cứ ủng hộ cho quan điểm của mình đúng không? Nếu có những chứng cứ trái chiều, bạn sẽ bác bỏ nó. Vì vậy, cách khắc chế định kiến này là: Hãy tìm chứng cứ bác bỏ niềm tin của bạn.

    2. Định kiến Tin chắc: Chúng ta dễ bị thuyết phục bởi người thể hiện sự niềm tin “chắc chắn là đúng”. Tôi chắc chắn với bạn rằng: càng đọc về sau của bài viết này, bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn về những bản chất “trần trụi” của con người dưới lăng kính tâm lý học. Hãy tin tôi!

    3. Định kiến Bề ngoài: Hầu hết vẻ bề ngoài của con người thường phản ánh ngược lại cái bên trong. Và bạn thì có xu hướng suy diễn thuần theo phẩm chất tích cực hoặc tiêu cực dựa vào vẻ bề ngoài của họ. Ví dụ: một người thành đạt thì hẳn anh ấy cũng có đạo đức và xứng đáng với số phận kiếp này của anh ta. Bạn thường nghĩ như vậy đúng không?

    4. Định kiến Nhóm: Bản chất con người là động vật có tính xã hội. Vì vậy, bạn cảm thấy cực kỳ dễ chịu khi có những người suy nghĩ giống như mình. Và sẽ kịch liệt phản đối phe đối lập với quan điểm của nhóm bạn. 

    5. Định kiến Đổ lỗi: Phản ứng tự nhiên của con người là đổ lỗi cho kẻ khác, hoàn cảnh hay một phán đoán sơ sót nhất thời. Có phải bạn thường không thích thừa nhận lỗi của bản thân, hoặc xét đoán điều mình đã làm? 

    6. Định kiến Hơn người: Chúng ta thường không thấy khuyết điểm của mình, mà chỉ nhìn thấy ở kẻ khác. Bạn luôn cho rằng mình khác biệt, sáng suốt và có đạo đức hơn người khác phải không?

Bước 2: Cảnh giác những yếu tố kích động cảm xúc của bạn - bao gồm 5 yếu tố:

    1. Điểm kích hoạt từ thuở đầu đời (hay còn gọi là “Vết thương lòng”).

    2. Thành công hay thất bại bất ngờ (điều sẽ đánh mất tầm nhìn của trí khôn).

    3. Áp lực tăng lên (lấn áp khả năng suy luận của con người).

    4. Những cá nhân kích động (kẻ thích khuấy động cảm xúc người khác).

    5. Hiệu ứng nhóm (quan điểm nào đó sẽ lan truyền nhanh chóng). 

Bước 3: Thực hành 6 chiến lược hướng đến “Cái tôi sáng suốt”

    1. Hiểu triệt để bản thân (mạnh, yếu, cảm xúc, điểm khác biệt).

    2. Kiểm tra gốc rễ những cảm xúc của bạn (xem bước 1 và 2).

    3. Kéo dài thời gian trước khi phản ứng (cố gắng bình tĩnh lại).

    4. Chấp nhận mọi người như thực tế (thái độ khoan dung).

    5. Tìm sự cân bằng tối ưu trong tư duy và cảm xúc (cân nhắc trước khi hành động).

    6. Yêu sự sáng suốt (hãy có một lý tưởng cuộc đời).


2. QUY LUẬT CỦA VIỆC DIỄN VAI

        Con người có xu hướng mang chiếc mặt nạ thể hiện họ bằng hình ảnh đẹp nhất có thể - khiêm nhường, tự tin, nhạy bén, tài giỏi… Chúng ta nói những điều đúng đắn, và có vẻ quan tâm tới những ý tưởng của người khác. Chúng ta biết cách che đậy những bất an và lòng ganh ghét của mình.

        Có thể nói, tất cả chúng ta đều là những chuyên gia về diễn xuất. Nếu tưởng vẻ ngoài này là thật thì bạn sẽ không bao giờ đọc vị được bản chất thật sự của người khác. Và đó là nguồn gốc của các tình huống bị “đâm lén”, lừa gạt bởi những hành động có tính thủ đoạn bất ngờ từ đối phương.

        Hãy đọc thật kỹ và nghiền ngẫm chương này của quyển sách. Bạn sẽ biết được những cách thức đọc vị từ các dấu hiệu rò rỉ và phi ngôn từ mà người khác không thể kiểm soát được. Từ đó làm cơ sở cho những biện pháp phòng vệ đúng đắn. Ngược lại, vì hầu hết con người đều “nhìn mặt mà bắt hình dong”, nên bạn phải học cách thể hiện vẻ bề ngoài tốt nhất và diễn vai của bạn với hiệu quả tối đa phục vụ cho mục đích thâm tâm của bạn.

Tôi sẽ tổng hợp thật ngắn gọn những ý chính của Robert Greene như sau:

1. Nguyên tắc khi quan sát:

    • Luôn tập trung vào gương mặt và âm điệu giọng nói của đối phương.

    • Chú ý các hành vi bất thường, đặc biệt là khi gặp các tình huống căng thẳng.

    • Luôn có những dấu hiệu trước khi họ thực hiện bất kỳ hành động nào. 

    • Hãy tránh sở thích cá nhân và thành kiến của mình khi đọc vị người khác.

    • Tránh hấp tấp đi tới lý giải đầu tiên phù hợp với điều chúng ta muốn nhìn thấy. Sai lầm đọc vị người khác không nằm ở sự quan sát mà nằm ở sự giải mã.

    • Hãy luôn cân nhắc tới nền tảng văn hóa của người khác khi diễn dịch những gợi ý của họ.

2. Chìa khóa để giải mã những dấu hiệu rò rỉ:

    • Trực giác không thích/thích. Thông thường nhất, bạn sẽ cảm thấy có gì đó không ổn với người kia nhưng làm ngơ cảm giác đó. Cho đến khi “chiếc mặt nạ” đã rơi xuống thì bạn mới cảm thấy “biết thế”. Vì vậy, bạn phải học cách tin vào những phản ứng có tính trực giác và kiểm tra chặt chẽ những dấu hiệu này. Hãy luôn nhớ rằng: con người đều rò rỉ những sự thích hay không thích trong ngôn ngữ cơ thể của họ. Nhưng cụ thể hơn, tôi xin hứa hẹn tổng hợp những ngôn ngữ cơ thể trong bài tóm tắt “Cuốn Sách Hoàn Hảo Về Ngôn Ngữ Cơ Thể”.

    • Sự im lặng đột ngột của đối phương là dấu hiệu có thể bạn đã kích hoạt một cơn ganh ghét hoặc không thích.

    • Lời nói có tính chất mỉa mai và chỉ trích, hướng vào bạn, nhưng lại thể hiện với một nụ cười và giọng đùa cợt như thể là chuyện đùa vui. Đó là cách thể hiện có kiềm chế sự thù địch của họ.

    • Lời nói khen ngợi, tâng bốc bạn mà ánh mắt không sáng lên. Dấu hiệu của sự ganh ghét ngấm ngầm. 

    • Dấu hiệu phổ biến nhất của kẻ lừa dối là: vẻ ngoài năng động quá mức; mỉm cười nhiều; tỏ ra rất thân thiện, thậm chí rất thú vị.

3. Kỹ năng hiệu quả nhất để khiến họ lộ ra bản chất: 

Có dấu hiệu nghi ngờ → Khuyến khích họ tiếp tục thể hiện bằng cách tỏ ra quan tâm tới điều họ đang nói hay làm (càng lộ nhiều càng tốt) → Đột nhiên đưa ra một câu hỏi/nhận xét khó trả lời (cố làm họ khó chịu) → Quan sát các biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể. 


3. QUY LUẬT CỦA HÀNH VI CÓ TÍNH BẮT BUỘC

        Đây là một bản chất con người vô cùng quan trọng mà bạn nên ghi chép lại một cách cẩn thận khi đọc cuốn sách này. Không những rất dễ áp dụng và thực tế trong cuộc sống, nguyên tắc này sẽ giúp bạn tránh né được vẻ bề ngoài mà người khác cố gắng phô bày và rèn luyện cách nhìn sâu vào bên trong tính cách của họ.

        Tôi tóm gọn nguyên lý cơ bản nhất cho bạn: Con người là sinh vật của thói quen. Thói quen lặp đi lặp lại nó chi phối từ tính cách cho đến các hành vi có tính chất bắt buộc, mà tôi gọi dễ hiểu là “Khuôn mẫu hành vi”. Điều này thường được thể hiện qua cách họ xử lý nghịch cảnh, khả năng điều chỉnh và làm việc với người khác, sự nhẫn nại và khả năng học hỏi của họ. Ngoài ra, Chúng ta có thể nhìn thấy tính cách trong những khuôn mẫu họ để lộ từ quá khứ, chất lượng của các quyết định của họ, cách họ đã chọn để giải quyết các vấn đề, cách họ ủy quyền và làm việc với người khác.

        Khi nắm bắt được khuôn mẫu hành vi của người khác, bạn sẽ dự báo được sức mạnh tương đối của họ và làm tiền đề cho quyết định nên cộng tác lâu dài, trung hạn, ngắn hạn hay thậm chí tránh né họ một cách tốt nhất.

“Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải thừa nhận có một sự thật nào đó ở khái niệm số phận. Chúng ta có xu hướng lặp lại cùng những quyết định và cách giải quyết các vấn đề. Cuộc sống của chúng ta có một khuôn mẫu vốn rất dễ nhìn thấy trong những sai lầm và thất bại của chúng ta.” - Robert Greene. 

Tôi sẽ tóm tắt cho bạn ngắn gọn nhất về các dấu hiệu tính cách để lộ bản chất thật sự của họ: 

    • Chú ý đến các hành vi nổi bật hoặc biến mất khi gặp căng thẳng.

    • Các hành động khi tình huống hoàn toàn chống lại lợi ích cá nhân họ.

    • Cách họ làm một việc nhỏ cũng chính là cách họ sẽ làm những việc lớn.

    • Cách họ xử lý quyền lực và trách nhiệm. “Nếu bạn muốn kiểm tra tính cách của một người, hãy trao quyền lực cho anh ta” - Lincoln.

    • Sự lựa chọn bạn đời hoặc đối tác của họ sẽ phản ánh rất nhiều điều.

    • Cách cư xử vào những thời điểm không làm việc (thể thao, lái xe, v.v.).

Đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu của 6 dạng người độc hại dưới đây và thoát khỏi họ càng sớm càng tốt:

    1. Dạng siêu hoàn hảo: Cách làm việc chăm chỉ hơn cả nhân viên cấp thấp nhất. Thực tế, họ không thể ủy thác các công việc, và phải giám sát mọi thứ. Họ mong muốn quyền lực và sự kiểm soát. Họ không thể tin tưởng bất cứ ai. Khi quay lưng lại, họ tưởng tượng mọi người đều chểnh mảng trong công việc. Họ thích đổ lỗi cho người khác về mọi thứ sai trái.

    2. Dạng thường xuyên nổi loạn: Họ ghét thẩm quyền và yêu kẻ bị thua thiệt. Họ không thừa nhận các quy tắc hoặc tiền lệ. Không ai có thể bảo họ phải làm gì, tất cả mọi thứ phải do họ quyết định. Có xu hướng bất đồng trầm trọng với mọi người.

    3. Dạng cá nhân hóa mọi vấn đề: Có vẻ ngoài nhạy cảm, chu đáo, tốt bụng, nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thực tế, họ muốn người khác cho họ mọi thứ mà không cần phải đòi hỏi. Họ thường xuyên cảnh giác - bạn có chú ý đến họ không, bạn có tôn trọng họ không, bạn có trao cho họ thứ họ đã trả giá không? Khuôn mẫu của họ là có nhiều sự bất đồng với mọi người và luôn xem bản thân là kẻ bị đối xử không đúng.

    4. Dạng nam châm kịch tính: Có vẻ ngoài năng lượng, sinh động và dí dỏm. Họ có nhiều câu chuyện để kể và thường họ là nạn nhân của những trận chiến trong cuộc sống của họ. Thực tế, họ có nhu cầu lớn trong việc lôi kéo sự chú ý và thương cảm của bạn. Càng thân thiết với họ, bạn sẽ càng khó thoát ra khỏi họ và có cảm giác tội lỗi.

    5. Dạng khoác lác: Bạn sẽ bị ấn tượng bởi những ý tưởng và dự án mà họ đang nghĩ đến. Những hãy kiểm tra hồ sơ và những thành tựu trong quá khứ của họ. Bạn sẽ thấy họ thường không bao giờ hoàn thành bất cứ điều gì. Họ có xu hướng đổ lỗi cho người khác không nhận ra tầm nhìn của họ. Họ cố gắng tìm kẻ sẽ chịu trách nhiệm và làm hết công việc khó khăn để biến ý tưởng mơ hồ của họ thành hiện thực. Mục tiêu cuộc sống của họ là tránh sự chỉ trích và phán xét.

    6. Dạng luôn làm vừa lòng kẻ khác: Dạng này giống như triều thần hoàn hảo trong cuốn sách “48 Nguyên Tắc Chủ Chốt Của Quyền Lực” mà tôi đã tóm tắt. Họ thường là những chuyên gia nói dối đầy kinh nghiệm. Họ ngấm ngầm khao khát làm hại người mà họ phục vụ. 


4. QUY LUẬT CỦA SỰ KIỀM CHẾ

        Thiểu được quy luật của sự kiềm chế - một trong những bản chất của con người, bạn sẽ tiến lên một tầm cao hơn trong việc đọc vị tâm lý của người khác. Hãy luôn nhớ rằng: Con người hiếm khi là kẻ mà có vẻ như họ là. Bên dưới bề ngoài lịch sự của con người chắc chắn là một mặt tối âm u bao gồm những bất an, hung hăng, ích kỷ và cẩn thận che giấu khỏi tầm nhìn công chúng. 

        Hãy học cách nhận biết những dấu hiệu của Bóng tối này trước khi chúng trở nên độc hại. Hãy nhìn vào cá tính của người khác như ngoan cố, thánh thiện, v.v. - như thể chúng đang che đậy những phẩm chất ngược lại. Điển hình như có những khoảnh khắc họ đối xử một cách tồi tệ với gia đình hoặc nhân viên đằng sau cánh cửa đóng kín. Thì điều thoáng qua đó là mặt tối trong tính cách của họ, thứ mà nhà tâm lý học nổi tiếng Cart Jung gọi là Bóng tối. Bóng tối bao gồm tất cả những phẩm chất mà mọi người cố gắng phủ nhận về bản thân và kìm nén. Thậm chí người kìm nén cũng không biết về Bóng tối của mình, vì nó vận hành một cách vô thức. Và khi nó lộ ra như thể có cái gì đó khác xuất hiện trên khuôn mặt của họ; giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của họ bị thay đổi. Bóng tối có xu hướng lộ ra rõ ràng khi con người già đi.

        Liệu bạn có muốn dự đoán hành vi của người khác trong những lúc căng thẳng? Hiểu được động cơ ẩn giấu của họ? Hay đơn giản là tránh bị lôi kéo bởi những người có xu hướng hủy hoại tinh thần của bạn? Nếu vậy, xin hãy chú ý đến những dấu hiệu thoát ra của Bóng tối mà tôi sẽ tóm tắt lại sau đây:

    • Hành vi trái ngược (quan trọng nhất): Hãy chú ý đến các hành động mang lại ấn tượng khác mà mọi người thường hay thể hiện.

    • Những cơn bùng nổ cảm xúc: Thể hiện sự phẫn nộ hoặc nói điều chua cay và gây tổn thương. Sau đó, họ thường đổ lỗi cho sự căng thẳng và chỉ là vô ý. Đây là dấu hiện của nổi sợ hãi và bất an từ thời thơ ấu đã bị kích hoạt.

    • Sự phủ nhận kịch liệt: Chủ động phủ nhận là dấu hiệu chôn giấu bản chất bên trong. Hãy diễn dịch sự phủ nhận như biểu hiện của bóng tối

    • Hành vi ngẫu nhiên: điển hình như khi họ say rượu và có những hành xử khác đi, hãy nhớ đó là Bóng tối đang lên tiếng.

    • Lý tưởng hóa thái quá: hay niềm tin thái quá là vỏ bọc đơn giản cho cảm xúc bị kìm nén. Hãy chú ý đến giọng điệu bắt nạt của họ và đừng để bị lừa.

    • Sự phóng chiếu: Khi họ phóng chiếu phẩm chất một cách vô căn cứ và lên án người khác. Cường điệu chúng lên để bào chữa cho sự ko thích hoặc thù hận. Đó lại chính là phẩm chất mà thâm tâm họ muốn có nhất.


5. QUY LUẬT CỦA SỰ ĐỐ KỴ

        Bản chất con người luôn so sánh và đánh giá bản thân với nhau, nhằm đo lường tình trạng, mức độ tôn trọng và sự chú ý mà người khác nhận được. Sẽ có hai kiểu người đố kỵ. Một là người có nhu cầu so sánh để thúc đẩy bản thân vượt trội hơn so với người khác. Người còn lại là dạng đố kỵ sâu sắc, chứa đựng những cảm giác tự ti và thất vọng dẫn đến các cuộc tấn công và phá hoại ngấm ngầm. 

       Tất nhiên, điểm chung là không ai muốn thừa nhận mình đã hành đọng do lòng đố kỵ. Tuy nhiên, bạn hãy hướng đến trở thành người sử dụng lòng đố kỵ để phát triển bản thân và nhận biết dấu hiệu để tránh xa dạng người đố kỵ sâu. Nếu không bạn sẽ vô tình kích hoạt hoặc bị tấn công bất ngờ bởi những kẻ đố kỵ sâu. Tôi xin tổng hợp những dấu hiệu chung của sự đố kỵ như sau:

    • Đôi mắt xoáy sâu vào bạn trong giây lát với sự khinh bỉ và thù địch.

    • Khóe miệng thường nhếch ngược về phía dưới chút xíu và cằm nhô ra.

    • Giọng nói chúc mừng mang tính căng thẳng.

    • Niềm vui ko thể kiểm soát được trước nổi đau của bạn.

    • Những nhận xét mang tính chọc tức bạn.

    • Những lời khen ngược đời và gây bối rối khiến bạn ko thoải mái.

    • Ca ngợi một thứ gì đó mà bạn đã đánh mất nó.

    • Chia sẻ những tin đồn và câu chuyện hiểm độc về bạn.

    • Thể hiện sự háo hức khác thường để trở thành bạn của bạn.

    • Họ sẽ chỉ trích bạn một cách cay độc, khó hiểu và không liên quan.

        Trên đây là những dấu hiệu mà Robert Greene đã nghiên cứu về lòng đố kỵ. Vậy tại sao sự đố kỵ lại xuất hiện? Chính là vì bạn đã kích hoạt nó! Hãy cẩn thận với những điểm kích hoạt lòng đố kỵ phổ biến sau đây:

    • Sự thay đổi đột ngột trong địa vị của bạn (phổ biến nhất).

    • Những người đang già đi, với sự nghiệp ngày càng sa sút.

    • Năng khiếu bẩm sinh và tài năng của bạn.

    • Vẻ ngoài hoặc bản chất miễn dịch với cảm giác đố kỵ của bạn.

    • Phụ nữ đạt được thành công và danh tiếng

    • Sự đố kỵ của công chúng có thể nhanh chóng lây lan.


6. QUY LUẬT CỦA SỰ GÂY HẤN

        Nhìn bề ngoài, những người xung quanh bạn có vẻ rất lịch sự và văn minh. Nhưng bên dưới tấm mặt nạ, con người luôn có nhu cầu gây ảnh hưởng tới mọi người và giành được quyền lực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều này đã được Robert Greene nghiên cứu và chứng minh hẳn một cuốn sách “48 Nguyên Tắc Chủ Chốt của Quyền Lực”. Song trong quyển sách Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người này, tác giả nhấn mạnh thêm cho bạn cách nhận diện và cảnh giác với những kẻ có nhu cầu cao và nôn nóng muốn đạt được quyền lực nhanh chóng. Họ trở nên đặc biệt hung hăng, tiến tới bằng cách đe dọa mọi người, tỏ ra hăng say và sẵn sàng làm hầu hết mọi thứ.

        Có thể nói, tất cả mọi người đều có nhu cầu quyền lực và muốn gây ảnh hưởng lên người khác. Nhưng thấu hiểu chương này giúp bạn phân biệt được những kẻ gây hấn thường xuyên (tức nhu cầu quyền lực rất cao) và kẻ gây hấn thụ động trong số chúng ta. Sự thật là hầu hết chúng ta đều không muốn thừa nhận là mình có thái độ hung hăng, mà thường ngụy biện thành biểu hiện của sự mạnh mẽ, còn kẻ khác thì mới là là thù hằn và hiếu chiến.

        Khi và chỉ khi bạn thừa nhận bản chất hiếu chiến của con người, bạn mới hiểu được câu nói nổi tiếng “Thà g.i.ế.t nhầm còn hơn bỏ sót”. Đó là vì sự gây hấn, hiếu chiến của con người bắt nguồn từ sự bất an tiềm ẩn. Thực chất những người hung hăng đang xử lý một cách vô thức cảm giác bất lực và lo lắng. Đặc biệt đối với những kẻ thường xuyên gây hấn và độc đoán, họ cần được bao quanh bởi những kẻ nịnh hót về sự vĩ đại của họ. Nhìn chung, chúng ta đều là những chuyên gia trong việc che giấu điểm yếu bên trong bằng cách liên tục phóng chiếu sự cứng rắn và niềm tin chắc chắn nhằm đàn áp người khác.

Sau đây tôi xin tóm tắt cho bạn 6 chiến lược phổ biến nhất của kẻ gây hấn chủ động thường xuyên sử dụng (ghi nhớ để đọc vị người khác):

    1. Chiến lược tỏ ra vượt trội một cách tinh vi: Hành vi sai nhưng luôn có sẵn lý do hợp lý và lời xin lỗi chân thành. Họ khiến sự cáu kỉnh của bạn tăng lên vì khuôn mẫu này lặp lại nhiều lần. Nhưng nếu bạn đối đầu với họ, họ sẽ xoay chuyển tình thế sang hướng buộc tội bạn vì quá căng thẳng hay thiếu sự cảm thông.

    2. Chiến lược khơi gợi sự cảm thông: Họ luôn là nạn nhân của sự thù địch, bất công xã hội, dường như họ thưởng thức kịch điều đó và ko ai khác đau khổ như họ. Tự nhiên bạn sẽ cảm thấy đồng cảm và sau đó họ sẽ đòi hỏi sự quan tâm từ bạn nhiều hơn. Những nạn nhân thật sự đều không thích kể lại câu chuyện của họ hoặc miễn cưỡng phải kể.

    3. Chiến lược phụ thuộc: Họ rất chu đáo và quan tâm đến sự hạnh phúc của bạn; muốn giúp bạn trong công việc của bạn; muốn lắng nghe câu chuyện nghịch cảnh của bạn. Nhưng thỉnh thoảng lại lạnh lùng với ta. Vì thế bạn xem lại mình đã gây lỗi gì với họ và tìm cách làm hài lòng họ để có lại được sự quan tâm đó. Một biến thể khác là người thích đưa những lời hứa nhưng không bao giờ thực hiện đầy đủ với lý do hợp lý.

    4. Chiến lược ám chỉ - nghi ngờ: Trong cuộc nói chuyện, họ đưa ra nhận xét khiến bạn phải tự hỏi về bản thân có phải họ đang xúc bạn hay không. Có vẻ họ đang chỉ trích bạn với lời khen ngợi nhạt nhẽo; hoặc họ nói khá khắc nghiệt về bạn xong bảo đang đùa. Họ hành động do lòng đố kỵ và họ muốn khiến bạn phải hồ nghi về bản thân.

    5. Chiến lược chuyển lỗi lầm sang kẻ khác: Bạn cảm thấy bực tức với điều họ đã làm, hoặc cảm thấy bị họ lợi dụng. Và khi bạn đối đầu với họ, họ trở nên im lặng, khoác một dáng vẻ đau đớn hoặc thất vọng. Bất kỳ lời xin lỗi từ phía họ đều thể hiện niềm tin rằng họ không làm sai điều gì cả. Thậm chí họ có thể gợi lên những điều bạn đã nói hoặc làm trong quá khứ khiến họ bực dọc. Nói chung sau phản ứng của họ, bạn sẽ cảm thấy rằng có lẽ bạn đã sai và có lỗi.

    6. Chiến lược bạo chúa thụ động: Thường được sử dụng bởi kẻ có quyền lực đối với cấp dưới của mình. Sếp thể hiện họ có rất nhiều việc và cần sự giúp đỡ của bạn. Thỉnh thoảng họ khen ngợi bạn, nhưng đôi khi lại quở trách bạn vì đã làm họ thất vọng




Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank