KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

[Tóm Tắt & Review Sách] “Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã”: Có Phải Chúng Ta Đã Quá Vội Vã Giữa Những Bộn Bề Của Cuộc Sống

 


[Tóm Tắt & Review Sách] “Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã”: Có Phải Chúng Ta Đã Quá Vội Vã Giữa Những Bộn Bề Của Cuộc Sống

Ngày nay, cùng với những bước tiến vượt bậc của khoa học, lối sống và suy nghĩ của con người cũng dần thay đổi để thích nghi với nhịp độ này. Và dường như tốc độ chóng mặt của những thay đổi cũng khiến con người vô tình bị cuốn vào, trở nên vội vàng và hối hả hơn, dốc hết thời gian để học tập, dốc hết thời gian để làm việc, dốc hết thời gian cho những thú vui hay những mối tình chớp nhoáng. Chắc hẳn chúng ta cũng từng nghĩ sống như thế sẽ giúp chúng ta bớt bỏ lỡ nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, tuy nhiên, thực tế lại rất khác. Có thể chúng ta đã đúng khi không bỏ lỡ sự kiện nào trong đời, nhưng rất tiếc, chúng ta lại bỏ lỡ chính mình, bỏ lỡ thời gian tìm hiểu, yêu thương và chăm sóc cảm xúc của chính mình. Quyển sách Bước chậm lại giữa thế gian vội vã như một lời nhắc nhở chúng ta nên dành thời gian nhìn lại những điều mình đã và đang trải qua một cách thấu đáo và chậm rãi hơn. Quyển sách sẽ giúp ta khám phá những góc nhìn, những cách nghĩ mới mẻ về con người và cuộc đời mà ta chưa hề biết.

I/ Vài nét về tác giả

Tác giả Hae Min, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1973, ông sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc. Ông học thạc sĩ Tôn giáo học đối chiếu ở Đại học Harvard và tiến sĩ Tôn giáo học ở Đại học Princeton, sau đó thì ở lại Mỹ tham gia giảng dạy về tôn giáo ở Đại học Hampshire. 

Năm 2000, ông quyết định xuất gia theo Phật giáo, đến năm 2015, ông trở về Hàn, được sự giúp đỡ của vài chuyên gia, ông mở trường trị liệu tâm hồn để điều trị miễn phí cho những người gặp bất hạnh trong cuộc sống. Ông cũng là người có sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ Hàn Quốc. Bước chậm lại giữa thế gian vội vã được xuất bản năm 2012 là quyển sách rất nổi tiếng ở Hàn Quốc được đông đảo độc giả trẻ đón nhận.

II/Tóm tắt tác phẩm

Quyển sách bao gồm 8 chương, mỗi chương hé mở cho độc giả những mẩu chuyện cùng với những lời khuyên chân thành dành cho những ai đang trải qua những điều tương tự.

Chương 1,2, 3: nghỉ ngơi, những mối quan hệ, tương lai

Đúng như điều đã nhắc đến trong tựa sách, tác giả đã đưa chúng ta vào quyển sách bằng một lời đề nghị nhẹ nhàng nhất : Nghỉ ngơi. Ông viết: “Bạn nghĩ rằng thế gian này đang làm khổ bạn? Nếu bạn nghỉ ngơi, thế gian này cũng sẽ nghỉ theo.” Nghĩa là việc sống nhanh hay chậm không phải là do thế gian này tác động lên bạn, đơn giản chỉ do bạn chọn sống như vậy mà thôi. Một khi bạn chọn sống chậm lại, mọi thứ xung quanh bạn tự khắc sẽ có cách dung hoà với bạn. Chính vì vậy mà ông đã khuyên rằng:

“Khi cảm thấy thế gian xung quanh mình 

Đang xoay chuyển quá vội vàng

Hãy dừng lại một lần và tự hỏi.

Là do tâm trí chính bạn bận rộn

Hay là do thế gian này quá vội vàng?”

Có lẽ ông đang nói lên điều mà những người trẻ như chúng ta đang trải qua chăng? Điều mà chính chúng ta đôi khi cũng không nhận ra. Từng nghĩ rằng tâm trí bận rộn sẽ khiến chúng ta đuổi kịp thế gian này, tâm trí bận rộn sẽ khiến ta quên đi những điều không vui, hay tâm trí bận rộn là điều tất yếu trong một xã hội không ngừng thay đổi này; sự thật là chúng ta đang trở thành nô lệ cho chính những bận rộn này, chúng ta đã bỏ rơi lại hạnh phúc thực sự. Chúng ta cũng hết lần này đến lần khác phớt lờ những muộn phiền của mình thay vì dành thời gian suy ngẫm và giải quyết. Ông nói: 

“Bạn có điều phiền não?

Hãy đi dạo và đắm mình dưới ánh nắng.

Nếu đi dạo vào một ngày nắng đẹp,

Cơ thể bạn sẽ tạo ra hóc môn serotonin giúp bạn bình tĩnh lại.

Khi đã tĩnh tâm mà tìm hướng giải quyết,

Thật thần kỳ bạn sẽ tìm được câu trả lời một cách bất ngờ.”

Nghe có vẻ như tác giả đang lãng mạn hoá cuộc sống này nhưng sự thật là nó nên thơ như vậy đấy, chỉ có chúng ta là quá bận rộn để ngắm nhìn và tận hưởng nó. Chính vì thế mà những khoảnh khắc này nên được tạo ra để chữa lành những thương tổn bên trong mỗi con người. Tạo hoá không sinh ta ra để làm một cỗ máy mà là để ta sống như một con người, có khối óc để vận hành mọi thứ, nhưng cũng có trái tim để điều khiển cảm xúc của mình. Sống chậm lại và nhìn nhận những điều bên trong lòng mình cũng là một cách cho khối óc được nghỉ ngơi và trái tim được chữa lành. Một trong những cách chữa lành tác giả nhắc đến là việc nhìn nhận lại những lỗi lầm trong quá khứ, không phải để giày vò bản thân mà là để biết ơn và trưởng thành.

“Đừng quá giày vò bản thân vì những lỗi lầm mình gây ra. 

Không có ai sống hoàn hảo cả.

Trường học cuộc đời luôn dạy cho chúng ta những bài học quý thông qua những lỗi lầm.

Hãy biết ơn những bài học ấy, và bạn sẽ càng trưởng thành hơn.”


Sau khi nghỉ ngơi, việc ta cần làm là xem lại những mối quan hệ của mình. Ông nói “Những mối quan hệ xã hội cũng giống như bếp lửa. Phải biết điều tiết khoảng cách, không nên đến quá gần, cũng không nên đi quá xa.” Ý của ông là nhắc chúng ta nên có một khoảng cách vừa đủ cho các mối quan hệ nhằm duy trì sự tốt đẹp của nó. Nói đến đây chắc rằng nhiều người sẽ thắc mắc vì sao lại như vậy? Câu trả lời được tác giả giải thích rằng: nếu khoảng cách quá xa sẽ khiến tình cảm phai nhạt, khoảng cách quá gần sẽ nảy sinh những mâu thuẫn, cãi vã không đáng có vì bất đồng một vài điều. Và cho dù những người ở gần nhau có tốt đẹp đến mấy, mâu thuẫn là điều tất yếu sớm muộn sẽ xảy ra. 

Một điều khác mà chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải là việc nghĩ đến những người đã từng gây ra lỗi lầm cho chúng ta và tha thứ cho họ. Nhắc đến đây chắc nhiều người sẽ phản đối kịch liệt với quan điểm này của ông. Nhưng xuất phát từ một trái tim yêu thương, ông đã viết ra những lời này: 

“Hãy tha thứ cho những con người ấy.

Không phải vì họ tốt đẹp

Không phải vì họ đáng được tha thứ

Không phải vì “Thì người ta cũng là người…”

Mà vì chỉ có như thế bạn mới sống được

Vì bạn phải quên họ đi để sống tiếp cuộc sống của mình

Vì bạn có quyền được hạnh phúc.”

Có lẽ ông cũng đã từng phân vân là bản thân nên tha thứ hay thôi, nhưng có lẽ tha thứ là điều khiến tâm hồn ông nhẹ nhàng hơn chăng? Nên ông mới viết ra như vậy. Nếu đặt chúng ta là người làm chủ của gánh nặng này, thì có lẽ ông đã đúng, tha thứ cho họ là ta trút bỏ được gánh nặng trên người mình, là khi ta không để những điều tổn thương ngăn chúng ta đến gần với hạnh phúc.

Và rồi một khi để lại những đau thương, chúng ta sẽ chọn sống cho hiện tại và nhìn đến Tương lai đúng không? Ở phần này ông muốn nhắn nhủ rằng “Cuộc sống không phải là cuộc chiến cạnh tranh với những người khác, mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình.” Có nhiều khi chúng ta tưởng rằng phải cạnh tranh với người khác và vượt qua họ mới là thành công. Nhưng đâu ai ngờ chiến thắng bản thân chính chúng ta còn khó hơn nhiều. Sự thật là mỗi người sinh ra đã không giống nhau, xuất phát điểm không giống, ngoại hình không giống, những giá trị cũng rất riêng. Vậy có phải là việc cố gắng tranh đua với người khác chỉ chứng minh là bạn đang làm điều vô nghĩa không? Trong khi điều nên làm là nỗ lực phát triển bản thân để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Ông nhấn mạnh:

“Đừng cảm thấy khổ tâm do tự ti rằng bạn đang tuột lại phía sau người khác.

Cuộc sống đâu phải là cuộc chiến cạnh tranh với bạn bè xung quanh,

Mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình.

Đừng chỉ chăm chăm cố gắng vượt qua các bạn mình,

Mà thay vào đó hãy đầu từ thời gian để tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình.”

Chương 4,5: cuộc sống, tình yêu

Trong 2 phần này, ông nhắn nhủ chúng ta cách nhìn nhận lại cuộc sống và tình yêu của mình. Cụ thể là trong cuộc sống, hãy sống theo cách của riêng bạn, “Đừng quá để tâm đến cái nhìn của người khác. Cũng đừng quá phân vân giữa cái này và cái kia.” Bởi vì:

“Không cần phải khiến cho tất cả mọi thứ trên thế gian yêu quý mình.

Chính bản thân ta cũng không yêu quý hết thảy mọi người trên thế gian,

Thì làm sao tất cả mọi người trên thế gian này có thể yêu quý ta được?

Thế mà khi biết sự thật có ai đó ghét mình

Ta lại cảm thấy buồn bã và đau khổ biết bao nhiêu?

Cũng giống như việc ta không yêu quý tất cả mọi người, ta không cần phải được tất cả mọi người yêu quý.”


Vì chúng ta có quyền yêu ghét, thì người khác cũng vậy, cho nên làm hài lòng tất cả mọi người là điều không thể. Chúng ta phải chấp nhận đây là một sự thật. Và hơn hết, nếu bạn sinh ra đã là một người lương thiện và tốt bụng thì chắc chắn bạn cũng đã từng bị tổn thương vì lòng tốt của mình không được công nhận. Vì vậy nói đến đây, tác giả nhắn nhủ rằng:

“Nếu bạn chịu giúp đỡ ai đó quá dễ dàng

Thì họ cũng sẽ mau chóng quên đi lòng biết ơn bạn.

Nhưng ngược lại nếu bạn đưa ra nhiều điều kiện khó khăn

Rồi mới giúp đỡ họ 

Thì họ lại cảm thấy biết ơn bạn hơn rất nhiều

Điều này thật kỳ lạ.”

Thật sự rất kỳ lạ nhưng đó cũng là sự thật, ông nói ra điều này là muốn những người lương thiện sẽ hiểu và không để những điều này làm tổn thương chính mình nữa. Tiếp đến, trong phần Tình yêu, ông nói: “Tình yêu là món quà quý giá của cuộc sống. Dù ta có muốn hay không, nó luôn như một vị khách bất ngờ tìm đến với ta.” Có lẽ ông đã đúng khi nói như vậy, vì không ai trên đời này không cảm thấy hạnh phúc khi nói về tình yêu. Chính vì vậy mà dù có mong chờ bao nhiêu lâu, con người ta cũng muốn ít nhất một lần được chạm đến nó. 

“Tình yêu 

Là ở bên cạnh nhau.

Là luôn sẵn sàng lắng nghe 

Với sự chân thành ấm áp.

Là tin tưởng nhau.

Là không có lý do nào khác ngoài tình yêu.

Là dù có cho bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thấy tiếc.”

Ở đây ông nói đến nét đẹp rất riêng của tình yêu, là việc con người ta không tiếc việc cho đi bất kỳ điều gì, đôi khi có thể quên đi chính bản thân mình. Khi yêu nhau người ta sẽ trở thành bờ vai, thành chỗ dựa cho nhau mỗi khi cần và trao cho nhau sự chân thành nhất. Tuy nhiên, tình yêu cũng vậy, cũng như bao mối quan hệ trên đời này: 

“Dù có yêu thương nhau nhiều bao nhiêu đi chăng nữa

Nhưng nếu liên tục ở cạnh nhau quá lâu

Thì việc cảm thấy mệt mỏi là chuyện hiển nhiên.”

Vì vậy việc giữ một khoảng cách nhất định cũng là tôn trọng nhau và để cho tình cảm phát triển một cách bền vững nhất. Hay nói cách khác:

“Khi yêu hãy yêu như hai cây cột nhà 

Cùng ở dưới một mái nhà

Nhưng giữ được một khoảng cách vừa phải.”

Chương 6,7,8: tu hành, nhiệt huyết, tôn giáo

Ở những chương này ông nhắc đến việc tu hành, dùng cuộc đời tu hành để giúp đỡ những người cần được giúp đỡ và mong muốn tôn giáo sẽ mang lại nhiều điều tích cực thay vì tiêu cực. 

Nói về Tu hành, ông nói: “Chính trái tim ta cũng không thuận theo ý ta. Thì ta lấy gì để có thể lay chuyển người khác?” Nghĩa là ông muốn gián tiếp dùng việc tu hành để nói rằng, trong khi người tu trì dùng cuộc đời trong sạch, thanh tịnh của họ để lay chuyển người khác, thì người bình thường như chúng ta cũng vậy, nếu muốn lay chuyển người khác, hãy bắt đầu từ việc thay đổi, làm chủ bản thân trước. Ông nói:

“Nếu bạn cảm thấy muộn phiền

Đừng liên tục than vãn “Tôi đang buồn” với người khác,

Nếu bạn muốn thoát ra khỏi nỗi muộn phiền

Thì hãy nhìn thẳng vào nó.

Bạn sẽ nhìn thấy được sự thay đổi của nỗi muộn phiền.

Chính vì vậy nỗi muộn phiền, cũng chỉ là thứ trống rỗng mà thôi.”

Ý ông ở đây là muốn chúng ta mạnh mẽ đối diện với những nỗi muộn phiền, đừng tránh né hay tìm một ai đó với mong muốn họ sẽ lấy đi nỗi muộn phiền đó. Vì căn bản, chúng ta càng tránh né, nó sẽ lại tìm đến chúng ta bất cứ lúc nào. Chỉ có nhìn thẳng vào nó, lựa chọn chấm dứt nó, mới khiến ta quên đi nó một cách dễ dàng. Một điều nữa là:

“Đừng bị trói buộc bởi quá khứ và than trách người đời sao quá đổi thay

Vì nếu ta lấy thước đo quá khứ để đánh giá hiện tại, chắc chắn sẽ cảm thấy buồn.

Hãy tiếp nhận sự thay đổi.

Vì dù muốn dù không, thế gian và bản thân ta vẫn liên tục thay đổi từng ngày.”

Nghĩa là cả chúng ta còn thay đổi, thì làm sao có thể mong lòng người không đổi thay. Và dù muốn tin hay không thì đó vẫn là một điều hiển nhiên, cho nên học cách chấp nhận những thay đổi trên đời này cũng là một cách khiến chúng ta trở nên hạnh phúc hơn. Đến phần Nhiệt huyết, ông đề cập:

“Những tranh cãi, đối lập nhiều vô vàn trong cuộc sống chúng ta

Có thể được tháo gỡ bằng cách tập đứng ở địa vị của đối phương mà cảm nhận.

Hãy tạo cho mình thói quen suy nghĩ trên lập trường của người khác.

Người chỉ biết suy nghĩ cho mình là người thiếu trưởng thành, không khác gì đứa trẻ con.”


Nghĩa là vì chúng ta không thể thay đổi sự thật rằng mâu thuẫn, tranh cãi là điều hiển nhiên, nhưng một khi chúng ta học cách đứng trên lập trường của người khác mà hiểu cho họ, ta sẽ bớt tranh cãi và yêu thương lẫn nhau nhiều hơn, ta sẽ hiểu tại sao một người lại suy nghĩ, hành động như vậy. Ông cũng nhắc đến việc:

“Hãy thành thật với chính bản thân mình.

Hãy nghĩ xem điều gì thực sự khiến mình hạnh phúc.

Hãy ngẫm lại thứ mình thực sự muốn làm

Chứ không chỉ chạy theo tiêu chuẩn thành công mà thế gian đặt ra.

Điều quan trọng không phải làm cho người khác thấy rằng mình hạnh phúc

Mà chính là làm cho mình hạnh phúc thực sự.”

Đấy là ông muốn nhắc đến việc theo đuổi hạnh phúc thực sự chứ không phải đi theo tiêu chuẩn mà thế gian đặt ra. Vì suy cho cùng, cũng như mỗi người có những sở thích và thú vui khác nhau, điều khiến mỗi cá thể trên đời này hạnh phúc cũng khác nhau. Tuy nhiên, việc sống hạnh phúc theo cách của riêng mình cũng cần rất nhiều can đảm trong đó có việc phải đối mặt với những lời khen hay chê bai của người khác. Tác giả khuyên rằng “Đừng tin theo những lời nói ấy quá dễ dàng mà hãy giữ vững vị trí của mình”, có như vậy tâm hồn chúng ta mới thật sự tĩnh lặng và an yên. 

Trong phần Tôn giáo, ông nói ra mong muốn trong lòng mình rằng:

“Tôi tha thiết hy vọng,

Rằng sẽ sớm hình thành một nét văn hoá mới giữa các tôn giáo

Trong đó các tôn giáo khác nhau sẽ biết tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau.

Và tôi hy vọng sẽ có một ngày

Mọi người sẽ tìm hiểu học hỏi cái hay của các tôn giáo khác

Và hiểu cách chúc mừng khi có chuyện tốt xảy đến với những tôn giáo khác mình.”

Ông mong rằng tôn giáo nào cũng có chung một mục tiêu là giúp con người trên thế gian này sống tốt và ngay lành, các tôn giáo nên hoà hợp, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, chứ đừng để sự khác biệt tôn giáo gây ra những chia rẽ không đáng có và mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu của nó. Ông cũng chia sẻ:

“Tôi mong rằng tôn giáo sẽ đưa ra tiếng nói

Bảo vệ sự tự do và nhân quyền của những người bị xa lánh.

Xin đừng là người chỉ biết nghe thánh kinh

Rồi lại dùng nó làm công cụ để phân biệt đối xử và xâm hại nhân quyền của người khác.”

Ý ông ở đây là chúng ta hãy vượt ra khỏi những lề luật trong sách vở, rồi cảm nhận những điều ấy bằng trái tim và lòng bao dung của mình. Đừng dùng những luật lệ này như một thước đo đánh giá con người và nhạo báng họ vì họ không theo khuôn mẫu đó. Và hãy hiểu là cuộc sống này muôn màu muôn vẻ, con người trên đời này cũng không ai giống ai, hãy nhìn nhận mọi thứ trên đời này bằng một trái tim ấm áp. 

 III/Cảm nhận về tác phẩm

Những lời văn trong quyển sách này thật sự rất nhẹ nhàng, ấm áp đến mức khiến tôi cảm thấy tâm hồn mình như đang mềm mại trở lại. Có lẽ vì tác giả là một nhà sư, một người tu hành nên tôi cảm thấy cách ông truyền đạt ý của mình rất khách quan, nhân văn và nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người, không hề khó nuốt một chút nào. Ông dẫn dắt người đọc qua những vấn đề mà bất cứ ai cũng đều gặp phải và không quên để lại một lời khuyên để giúp họ vượt qua nó. Có thể một số độc giả sẽ không đồng tình với cách mà ông nghĩ về những vấn đề này, nhưng đối với tôi, tôi cảm nhận được bề dày của vốn sống và sự từng trải đã khiến ông chọn nghĩ và sống như vậy. 

Tôi rất thích cách ông nhấn mạnh việc sống chậm lại và nhường cho tâm trí mình thời gian để ngẫm nghĩ và chữa lành. Đây là điều mà các bạn trẻ hay phụ huynh ở bất kì độ tuổi nào cũng nên được nghe đến và học hỏi. Những đúc kết của ông thực sự khiến tôi cảm động, cảm động vì ông đã hướng chúng ta trở về với việc giải quyết chính những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực bên trong mình, thay vì đổ lỗi cho người khác và tự trách rằng mình không có bất kỳ năng lực nào để thay đổi nó. Tôi rất thích chi tiết khi ông nói về tính hai mặt của một vấn đề, ông cho rằng cách chúng ta nhìn nhận một sự vật, sự việc theo hướng nào thì cảm xúc của chúng ta sẽ đi theo hướng đó. Nghĩa là chúng ta nhìn một việc theo hướng tích cực, chúng ta sẽ hạnh phúc và ngược lại, nhìn một việc theo hướng tiêu cực, chúng ta sẽ mệt mỏi, cáu gắt, thậm chí đau buồn. Tôi nghĩ điểm sáng này đã thay đổi thế giới quan trong tôi một phần nào đó. Và tôi mong rằng điều này cũng như kim chỉ nam giúp ích cho rất nhiều độc giả ngoài kia, đặc biệt là các bạn trẻ, những người đang gặp phải những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống. Tôi cảm giác thế giới bên trong quyển sách giống như bạn đang ở trong một kỳ nghỉ đông dài hạn, giữa những bộn bề của cuộc sống, những ngổn ngang trong tâm trí, bạn có thời gian để sắp xếp lại những mớ suy nghĩ bòng bong khiến bạn phiền lòng. Vậy nên tôi mong quyển sách này sẽ là một món quà cho những ai đang bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống với suy nghĩ rằng mình phải đuổi kịp điều gì đó, phải vượt qua một ai đó, bởi vì khi đọc quyển sách này, bạn sẽ nhận ra bạn chỉ cần vượt qua chính mình và chiến thắng chính mình là đủ rồi!


Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank