“Tôi muốn được làm việc trong môi trường vui vẻ, hoà đồng, mọi người giúp đỡ lẫn nhau.”
📌
Nghe đọc online trên bài viết của Kỹ Năng Mới
Đó là mong muốn của hầu hết bạn trẻ khi chia sẻ nguyện vọng với công ty. Thế nhưng thực tế, vấn đề “chỉ lo cho thân mình”, không có sự thấu cảm, suy nghĩ cho đồng nghiệp lại diễn ra rất phổ biến ngày nay.
Chẳng cần biết đối phương là ai, dù là sếp hay đồng nghiệp, gửi mail nội dung chỉ vỏn vẹn 1 dòng kèm cái file đặt tên lung tung; nghỉ phép không sắp xếp công việc hoặc báo cấp trên nhờ hỗ trợ, nghỉ là cắt đứt mọi liên lạc,...
Điều này thường xảy ra khi nhiều người đặt quá nhiều tập trung vào bản thân và quên đi những người xung quanh. Các bạn thiếu khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu và đáp ứng được những nhu cầu, mong muốn, và quan điểm của họ.
Nếu người khác không quan tâm cảm xúc và phản ứng của bạn trong bất kỳ ý kiến, cuộc trò chuyện hay hành động gì thì bạn thấy sao? Nếu bỗng nhiên đồng nghiệp của bạn nghỉ phép ngang và bạn phải ôm task việc của người đó trong 3-4 ngày thì bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thích người ta hiểu mình và để ý, quan tâm đến mình không? Ai trên đời mà không thích.
Những thói quen, suy nghĩ tưởng chừng bình thường như vậy sẽ nhen nhóm tạo ra một môi trường làm việc không tương tác và thiếu chuyên nghiệp. Khi chúng ta không thể hiểu và đáp ứng những mong đợi của đồng nghiệp, nhân viên, hay đối tác, chúng ta rơi vào nguy cơ làm mất lòng tin và sự đồng lòng của họ. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến mối quan hệ đồng nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến hiệu quả làm việc và sự phát triển của doanh nghiệp.
Vậy nên, nếu bạn muốn làm ở một công ty có văn hoá tốt, mọi người quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, hãy bắt đầu từ chính bạn. Nếu bạn có những người đồng nghiệp như vậy, và điều đó ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của bạn, hãy thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
Nếu bạn đã từng hoặc đang bị khá nhiều người đánh giá, nhắc nhở về vấn đề tương tự thì hãy ngừng cố chấp tự cho mình là đúng, quan sát lại các hành vi của bản thân, phản hồi của đối phương rồi dần điều chỉnh lại. Lắng nghe nhiều hơn, thấu hiểu, đặt mình vào người khác một chút, kỹ năng làm việc nhóm của bạn sẽ từ từ phát triển một cách lúc nào không hay.