KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2025

Cảm xúc là thứ chi phối gần như mọi hành vi của chúng ta, việc HỌC HÀNH cũng nằm trong đó.

 


Cảm xúc là thứ chi phối gần như mọi hành vi của chúng ta, việc HỌC HÀNH cũng nằm trong đó

Mỗi ngày, con tiếp xúc với một núi thông tin: toán, văn, lịch sử, tiếng Anh, thậm chí cả chuyện bạn lớp trưởng hôm nay đi học quên mang thước. Nhưng bộ não của con không thể nhớ hết được như ổ cứng máy tính. Nó buộc phải chọn lọc — giữ lại cái cần, vứt bớt cái không quan trọng.


Người chịu trách nhiệm cho công việc chọn lọc này chính là hồi hải mã (hippocampus) — vùng lưu giữ trí nhớ dài hạn trong não. Nhưng hồi hải mã không quyết định một mình đâu, nó có một trợ lý rất “máu mặt” tên là hạch hạnh nhân (amygdala) – nơi xử lý cảm xúc.


Mỗi khi con tiếp nhận thông tin, hạch hạnh nhân sẽ lên tiếng:


- Ồ, chuyện vui nè!


- "Ôi giời ơi, nguy hiểm!


- Wow, thú vị quá!


Hoặc đơn giản: "Chán òm, chẳng có gì đáng nhớ."


CẢM XÚC CÀNG MẠNH, THÌ KÝ ỨC ĐÓ CÀNG QUAN TRỌNG HƠN VÀ CÀNG ĐƯỢC KHẮC SÂU HƠN VÀO BỘ NHỚ


Và bí quyết để học bất kỳ cái gì con muốn - dù khô khan đến đâu - là nhét vào đó một chút xúc cảm.


Vì thế mới có chuyện: bài toán sáng nay con học có thể quên sạch, nhưng chuyện hôm qua bị cô mắng vì quên làm bài tập thì nhớ như in.


Cơ chế này thực ra đã có từ thời tổ tiên săn bắt hái lượm. Họ cần nhớ nhanh những điều giúp mình sống sót: nơi có quả ngọt thì sung sướng, chỗ có hổ dữ thì sợ hãi. Những ký ức quan trọng nhất luôn đi kèm với cảm xúc mạnh mẽ.


Trẻ em thời nay tuy không phải tránh thú dữ, nhưng bộ não vẫn giữ cách vận hành y hệt: bài học nào có cảm xúc đi kèm, bộ nhớ sẽ tự động bật chế độ “Ghi nhớ siêu tốc”.


VẬY LÀM SAO ĐỂ GẮN CẢM XÚC VÀO BÀI HỌC? 


✴️ 1. Kể chuyện đời thực:


Đừng chỉ dạy con "Định luật Newton: F = ma". Hãy kể về câu chuyện quả táo rơi vào đầu Newton, rồi ông nhìn bầu trời đêm đầy sao và tự hỏi: "Vì sao quả táo rơi xuống mà mặt trăng lại không?"


✴️ 2. Biến bài học thành trò chơi:


Trẻ vừa học vừa nhập vai, đóng kịch, tham gia trò chơi trí tuệ. Cảm xúc vui vẻ khiến bài học tự nhiên đi vào trí nhớ.


✴️ 3. Tạo yếu tố bất ngờ:


Não rất thích sự bất ngờ. Thầy cô, cha mẹ có thể tạo những câu hỏi mở, các màn khám phá nhỏ khiến trẻ liên tục tò mò.


✴️ 4. Nuôi dưỡng trí tưởng tượng:


Đừng giao phó hết cho video hoạt hình hay ứng dụng học tập làm thay phần tưởng tượng. Đọc sách giấy, vẽ sơ đồ tư duy, đặt câu hỏi ngược lại cho con chính là cách kích hoạt trí sáng tạo mạnh mẽ nhất. 


✴️ 5. Tăng tính tương tác:

Khi con được lắng nghe, được phản hồi, được chủ động bày tỏ suy nghĩ, bộ não sẽ bật chế độ tập trung cao độ, ghi nhớ sâu sắc hơn.


Nhưng Học bằng cảm xúc KHÔNG có nghĩa là học theo cảm hứng


Nhiều người hiểu nhầm rằng cảm xúc trong học tập là để trẻ thích thì học, không thích thì thôi. Không phải vậy. Vai trò của cha mẹ và thầy cô là biết “lập trình” cảm xúc cho con: tạo sự tò mò, khích lệ sự đồng cảm, khơi dậy niềm vui chinh phục, cuối cùng để trẻ tự hào khi vượt qua thử thách kiến thức.


Như Martin Lindstrom – chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng từng nói:

“Mọi quyết định của con người, kể cả việc học, đều ít nhiều bị chi phối bởi cảm xúc mà chúng ta không luôn nhận thức được rõ ràng.”



Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank