📚 PHƯƠNG PHÁP SOCRATIC: KHƠI DẬY TƯ DUY PHẢN BIỆN
----
🏛️ Socrates (470 – 399 TCN) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại đầy bí ẩn. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Socrates cho nền tư tưởng phương Tây phải kể đến phương pháp truy vấn biện chứng, hay còn được biết tới là phương pháp Socratic.
❓ Đây cũng chính là cách mà nhà triết học người Athens này dùng để dạy học sinh mình. Ông sẽ đặt một vấn đề lớn trước các học trò của mình, yêu cầu họ trả lời, và sau đó hỏi liên tục cho đến khi câu trả lời của người học sinh ấy bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn.
🌐 Cho tới tận ngày nay, phương pháp Socratic vẫn là một trong những công cụ sư phạm kinh điển ở phương Tây, được đặc biệt sử dụng trong bài thi vấn đáp và bài giảng ở các trường Luật.
📍 Trong khuôn khổ của một buổi thảo luận nhóm tại các tiết Seminar, một cuộc đối thoại sử dụng phương pháp Socratic sẽ có hình thức như sau:
Bước 1: Người hỏi đặt vấn đề cần thảo luận (thường dưới dạng câu hỏi)
Bước 2: Người trả lời đưa ra câu trả lời của mình
Bước 3: Người hỏi đặt câu hỏi liên quan tới luận điểm của người trả lời
Bước 4: Người trả lời bảo vệ, giải thích sâu và rõ ràng hơn luận điểm của mình.
Bước 5: Người hỏi và người trả lời tiếp tục trao đổi cho đến khi sự mâu thuẫn xuất hiện trong luận điểm của người trả lời.
👉 Một cuộc thảo luận sử dụng phương pháp Socratic trong tiết học Luật Hiến pháp về quyền sống của con người có thể trông như sau:
A: “Cậu có cho rằng ta nên loại bỏ án tử hình?”
B: “Không hề. Tử hình là cách duy nhất để trừng trị những kẻ phạm tội nghiêm trọng nhất”
A: “Bạn có thể làm rõ cho tôi tội phạm nghiêm trọng nhất là gì?”
B: “Là những tội phạm liên quan đến mạng sống con người như giết người, chả hạn.”
A: “Điều gì khiến hành vi đó đặc biệt nghiêm trọng?”
B: “Vì mạng sống là cái quý giá nhất của con người. Hành vi đó vô cùng man rợ vì nó tước đi mọi thứ của nạn nhân.”
A: “Vậy giết người là một điều hết sức tàn nhẫn. Thế cậu nghĩ sao khi ta tử hình oan một người? Liệu hành vi đó cũng man rợ không khác gì hành vi của kẻ giết người thực sự?”
B: “...”
😶 Câu hỏi đó khiến cho B khựng lại và không thể nói thêm được một lời nào nữa. Trạng thái này được gọi là “aporia”, xảy ra khi người trả lời nhận ra lỗ hổng trong lập luận và bắt đầu suy nghĩ lại hệ thống luận điểm của mình. Hầu hết các cuộc thảo luận sử dụng phương pháp Socratic sẽ kết thúc trong trạng thái này.
Qua những lần “aporia” đó, người trả lời sẽ học được cách xây dựng luận điểm hợp lí, chặt chẽ hơn, qua đó rèn luyện và làm sắc bén kĩ năng tư duy phản biện của họ. Cần phải chú ý rằng, một cuộc đối thoại Socratic không phải là một cuộc tranh cãi phân định ai đúng ai sai, kẻ thắng và kẻ thua. Mục đích cuối cùng của một cuộc thảo luận sử dụng phương pháp Socratic là để giúp cả hai bên hiểu rõ vấn đề được đặt ra, giúp cho chúng ta có các cách nhìn mới, đa chiều và sâu sắc hơn.
Trân trọng,
LDM.