Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc. Con người nên học theo đại địa, mà một đức tính lớn nhất của đại địa chính là có thể khiêm tốn và vô tư mà ở dưới chỗ thấp, bởi không màng danh lợi nên có thể nâng đỡ được vạn vật.
Vạn vật trong thiên thể vũ trụ, hết thảy đều là sinh mệnh. Các sinh mệnh này tồn tại một cách viên dung và hài hòa có trật tự. Con người tuy rằng là anh linh của vạn vật, có trí tuệ cao, nhưng cho dù là một người vô cùng may mắn, có nhiều thành tựu đi nữa thì cũng rất nhỏ bé trong vũ trụ này. Bởi vậy con người phải tôn kính Trời Đất, tôn trọng tự nhiên, xem trọng hết thảy sinh mệnh và tìm kiếm về nguồn gốc chân chính của sinh mệnh.
Từ Kinh Dịch mà xét, hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý của tự nhiên đều là do thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Quẻ hung là để cảnh giới con người tránh xa cái ác. Quẻ cát là động viên, khuyến khích con người hành thiện. Chỉ có quẻ khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều cát tường, may mắn.
Thời Tây Chu, Chu Công khi phò tá Thành Vương đã cố gắng hết mình để làm cho đất nước được phồn vinh thịnh vượng. Khi ông ra sức kêu gọi hiền tài, rất nhiều người đã đáp lại tiếng gọi của ông. Ông bận rộn đến mức thậm chí không có thời gian để làm khô tóc sau khi gội đầu. Ông phải dừng bữa cơm tối mấy lần để khách không phải chờ lâu.
Ông khuyên con trai rằng: “Thành Vương muốn con trông coi Lỗ quốc, con phải khiêm tốn và biết trân trọng! Con phải biết luật Trời rằng bất cứ ai kiêu ngạo tự mãn sẽ mất hết và người khiêm nhường sẽ được lợi. Người ta ai cũng trân trọng đức tính khiêm nhường, không ai coi trọng tính kiêu căng ngạo mạn cả!”
“Kiêu ngạo chiêu mời tổn hại, khiêm tốn thì được lợi”, con người nên khiêm tốn, vô tư và kiên định. “Ba người đi cùng tất có người làm thầy của ta”, không ngại học hỏi tất cả mọi người, lấy tâm làm gương, luôn luôn tự xét lại mình. “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng”, Trời sinh thân ta, hẳn là có chỗ hữu dụng, chỉ cần biết rõ chính mình, có thể dũng cảm nhận sai, thẳng thắn thành khẩn tìm ra chỗ thiếu sót của mình, như thế tự nhiên tâm lượng của người ta sẽ dần dần mở rộng ra đến vô hạn.
Người xưa dạy, “Lấy nghiêm khắc để kiềm chế bản thân, lấy khoan dung để đối đãi người khác”, tu dưỡng đức hạnh để có được sự tự tin, khiêm tốn, có đủ năng lực để người khác tín nhiệm, như thế mới trở thành người không bị lạc mất mỹ đức căn bản nhất. Cố chấp, khăng khăng giữ ý kiến của mình, tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi, đều chỉ làm cho bản thân chuốc lấy chướng ngại mà thôi.
Đường Thái Tông được coi là một vị Hoàng đế mẫu mực. Ông tiếp thu lời khuyên bằng một thái độ khiêm tốn, khuyến khích các bề tôi khuyên can và tiếp thu những lời khuyên ấy. Ông không thỏa mãn cho tới khi được nghe về những thiếu sót của mình. Ông tập hợp trí tuệ từ khắp nơi trong thiên hạ, giúp ông xây dựng thành công một “Thịnh thế Thiên triều”.
“Trời không nói gì, bốn mùa hưng thịnh, vạn vật sinh sôi”, “Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”… những lời này giảng hết sức đúng!.
Đại Vũ không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng có điểm mạnh hơn ta”, cho nên, cuối cùng ông có thể loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh đến muôn đời sau.
Có thể thấy, người khiêm tốn có tâm địa rộng lớn, có thể bao dung được hết thảy, từ đó mà phúc trạch dày rộng. Khiêm tốn hay cao ngạo sẽ tạo ra phúc báo hay tai họa. Cho nên, làm người nhất định phải tu dưỡng đức khiêm tốn.