KỸ NĂNG MỚI

Kỹ năng mới - Nơi chia sẻ những kỹ năng,khóa học miễn phí,tài liệu... giúp bạn phát triển kỹ năng và học free mọi thứ trên đời. Kynangmoi.info - Bạn cần học gì - chúng tôi có free.

Kênh TikTok

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

BẠN CÀNG CỐ, MỌI THỨ CÀNG TỆ — LUẬT CỦA SỰ NỖ LỰC ĐẢO NGHỊCH



BẠN CÀNG CỐ, MỌI THỨ CÀNG TỆ — LUẬT CỦA SỰ NỖ LỰC ĐẢO NGHỊCH


Đã bao giờ bạn thử cố gắng âu yếm một chú mèo chưa? Nhưng mỗi lần bạn đến gần hơn, chú mèo lại chạy đi và cảnh giác với bạn ở từ xa. Sau đó, bạn lại tiếp tục đến gần chú mèo nhưng nó lại chạy đi lần nữa. Khi bạn tiếp cận nó lần thứ ba, chú mèo đã tẩu thoát và biến mất rồi. 


Tuy nhiên, một vài tiếng sau khi bạn tập trung vào một thứ gì khác, chú mèo xuất hiện, tiến tới gần và nhảy lên đùi của bạn. Đây là một hiện tượng chúng ta thường trải nghiệm, khi chúng ta theo đuổi ai hoặc cái gì, họ có xu hướng rời xa chúng ta. Nhưng khi chúng ta để mọi thứ được tự nhiên, họ lại bị thu hút bởi ta. 


Cơ chế này có vẻ đối nghịch với quan niệm rằng “sự cố gắng” chính là chìa khóa đến với thành công. Mặc dù thật sự là để đạt được mục tiêu thường yêu cầu sự nỗ lực, tuy nhiên có một khía cạnh khác đối với điều này. Luật của sự nỗ lực đảo nghịch (The law of reversed effort) cho chúng ta thấy rằng trong rất nhiều tình huống càng cố gắng làm chỉ đẩy chúng ta rời xa khỏi kết quả mong muốn. Chúng ta càng cố, mọi thứ càng tệ đi. Nhưng khi chúng ta thả lỏng dần, mọi thứ có vẻ được cải thiện. 


Vì vậy, để đạt được mục tiêu không chỉ yêu cầu sự cố gắng mà còn là sự kiểm soát đối với các hành động của mình. Biết khi nào nên hành động và khi nào không, chúng ta cần sự thông minh và kỹ năng. Ở video trước, chúng ta có tìm hiểu về một góc độ của luật của sự nỗ lực đảo nghịch (hay còn gọi là luật đảo ngược - ‘the backwards law’)


Tuy nhiên sự khám phá đó là từ góc nhìn để theo đuổi sự hạnh phúc. Như tác giả cuốn sách bán chạy Mark Manson đã phát biểu: “mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực”


(Chú thích: Mark Manson là một tác giả viết sách self-help nổi tiếng người Mỹ với cuốn sách “Nghệ thuật của việc đếch quan tâm - The Subtle Art of Not Giving a F*ck”)


Cho nên, chúng ta càng muốn hạnh phúc, chúng ta lại càng đau khổ hơn vì chúng ta củng cố cho sự thiếu thốn. Vậy nếu chúng ta hài lòng với mọi thứ là (và không củng cố sự thiếu thốn), chúng ta bỗng dưng có những gì chúng ta hằng mong ước. Nhưng ở trong video này, chúng ta sẽ khám phá luật của sự nỗ lực đảo nghịch ở góc độ của sự năng suất, với tới các mục tiêu, và vượt qua nỗi sợ hãi. 


SỰ VÔ ÍCH CỦA NỖ LỰC 


Luật của sự nỗ lực đảo nghịch đã từng được nhà văn, nhà triết gia người Anh Aldous Huxley nhắc đến. Ông đã khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể đạt được sự tài giỏi thông qua việc kết hợp cả sự thư giãn lẫn hành động. “Chúng ta càng cố gắng sử dụng sức mạnh của sự nhận thức để làm việc gì đó, chúng ta sẽ ít có khả năng thành công.”


(Chú thích: Aldous Huxley là nhà văn nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về các khía cạnh vô nhân tính của tiến bộ khoa học, nổi tiếng nhất là Thế giới mới nhiệm màu. Hơn nữa, các ý tưởng của ông cũng là nền tảng hình thành nên Phong trào Tiềm năng Con người.)


Sự tài giỏi và các kết quả của nó sẽ chỉ đến với những ai đã tiếp thu được nghệ thuật nghịch lý giữa việc làm và không làm, hay kết hợp thư giãn với hành động. Hãy buông lỏng để cho sự nội tại siêu việt trong bạn chèo lái. Chúng ta không thể làm cho chúng ta hiểu được, mà những gì tốt nhất chúng ta có thể làm là nuôi dưỡng một trạng thái tâm trí mà sự hiểu biết sẽ đến với chúng ta. 


Hãy tưởng tượng một người bị rối loạn giấc ngủ cố gắng thiếp đi. Anh ta càng cố ngủ thì anh ta càng tỉnh và càng tỉnh bấy nhiêu thì sự bực bội càng tăng lên và anh ta lại cố gắng để ngủ hơn. Nhưng sau một khoảng thời gian, người mất ngủ này ngừng lại và chấp nhận rằng anh ấy không thể đánh một giấc ngon lành. Và bỗng nhiên, anh ta thiếp đi một cách tự nhiên. Vậy mà chúng ta thường cố gắng quá mức để rơi vào giấc ngủ và kết quả thật tệ hại. Thật không quá ngạc nhiên khi chúng ta nhìn vào bản chất của giấc ngủ. Giấc ngủ được coi là biện pháp thư giãn tuyệt vời nhất vậy nên thật là ngược đời nếu chúng ta lại đi cố gắng ngủ. Bởi vì chúng ta nỗ lực (thậm chí là cưỡng ép bản thân) để thư giãn, việc hoàn toàn đi ngược lại với sự nghỉ ngơi. 


Một thứ khác mà chúng ta không thể cưỡng ép đó chính là sự hấp dẫn. Không ai chọn bị hấp dẫn bởi một ai hay cái gì, nó chỉ tự nhiên xảy ra. Mặc dù đây có vẻ khái quát quá, nhưng nhìn chung, chúng ta thấy rằng sự đeo bám bị đẩy xa và sự tự nhiên lại thu hút. Chúng ta càng theo đuổi ai đó, chúng ta càng trở nên kém hấp dẫn hơn. Nhưng nếu chúng ta ngừng bám theo và trở nên tự nhiên hơn thì có lẽ sự hấp dẫn lại quay trở lại. Có câu tục ngữ nói rằng “sự thiếu vắng khiến cho con tim thôi thúc hơn” (absence makes the heart grow fonder). Cố gắng quá mức thường phản tác dụng.


Nhà triết gia, nhà tâm thần học Viktor Frankl quan sát thấy khi chúng ta tập trung quá mức để đạt được một kết quả cụ thể nào đó (hay cố gắng loại bỏ những kết quả không mong muốn khác). Chúng ta tự tạo ra “sự lo âu tự nguyện”. Trong rất nhiều trường hợp, điều đó thường dẫn đến viễn cảnh mà ta muốn tránh nhất. 


Một ví dụ đến từ sách của ông “Đi Tìm Lẽ Sống”, đó là một người nói lắp cố gắng đến mức tuyệt vọng để không bị như vậy nữa. Nhưng vì anh ta cố quá mức, bài tuyên truyền của anh càng lắp bắp hơn, nguyên nhân là vì anh ta lo lắng với việc làm sao để phát biểu mà không bị nói lắp. Và chúng ta có thể liên hệ việc này với những thứ khác. Nếu chúng ta cố quá mức chỉ để hưởng thụ, chúng ta có lẽ sẽ chẳng thể hưởng thụ nổi, bởi vì chúng ta quá chấp bám vào kết quả mà trong khi cái sự chấp bám này nó đã không hề dễ chịu rồi. 


Một ví dụ khác đến từ những người gặp khó khăn với việc thăng hoa trên giường. Họ càng cố bám chấp lên đỉnh, họ sẽ chả thể làm được và bầu không khí sẽ trở nên khó xử. Một lần nữa, việc bám chấp quá mức vào kết quả sẽ làm tê liệt khả năng thực thi của một con người. 


Viktor Frankl cung cấp cho chúng ta một phương pháp hữu dụng gọi là “ý định đối ngược” (paradoxical intention). Phương pháp này có thể giúp chúng ta thoát khỏi sự ảnh hưởng của “sự lo âu tự nguyện” hay nói theo cách khác: đừng có quá cố. Thông qua việc áp dụng “ý định đối ngược”, chúng ta di chuyển khuôn mẫu từ suy nghĩ muốn tránh các kết quả không mong muốn ( như nói lắp này hay không thể ngủ) tới việc muốn những kết quả đó xảy ra. Bằng cách ước mong những điều mà trước đó ta muốn ngăn cản, chúng ta ít bị lo âu hơn, vì sự áp lực gây ra bởi những kết quả mà ta muốn đã bị xoá bỏ đi rồi. Cho nên, chúng ta sẽ dễ ngủ hơn nếu chúng ta mong rằng mình sẽ tỉnh thay vì cố gắng đi ngủ. Bạn sẽ tìm thấy những khám phá chi tiết hơn về “sự lo âu tự nguyện” trong video trước tên là phương pháp vượt qua nỗi sợ hãi của Viktor Frankl. 


VƯỢT QUA SỰ KIỂM SOÁT CỦA Ý THỨC


Học cách lái xe oto có thể là một trải nghiệm cực kỳ khó chịu. Hầu hết mọi người phải tham gia hàng tá các bài học và dành nhiều thời gian để thành thục lái xe. Với một người thiếu kinh nghiệm, khi vừa phải điều khiển một chiếc xe và quan sát giao thông là một việc thật sự mới lạ và phức tạp. Trừ khi bạn ở trong một chiếc xe lái tự động, nếu không bạn phải sử dụng 3 bàn đạp khác nhau để tăng tốc, chậm lại, và đổi số. Bạn cũng phải học cách sử dụng gương để quan sát xung quanh mình. Để thành thục tất cả việc này gần như là không thể. Tuy nhiên, sau hàng nhiều lần luyện tập, bạn bỗng dưng phát hiện mình có thể tự động làm tất cả việc đó. Ý thức của chúng ta vừa là một món quà vừa là một lời nguyền. Nó cho phép chúng ta suy luận, phân tích, và sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, ý thức thường ngáng đường một thứ mà các đạo sĩ gọi là “Vô Vi”. Đây cũng là một khái niệm thường được biết đến là trạng thái Flow (Dòng chảy). 


Trong trạng thái Flow, các hoạt động của chúng ta trở nên uyển chuyển và dễ dàng như thể chúng tự động diễn ra vậy. Giống như một dancer trở thành chính điệu nhảy đó hay một họa sĩ trở thành chính bức tranh của mình vậy. Video “Đạo giáo | Triết học của dòng chảy” (‘Taoism | The Philosophy of Flow’) có đề cập đến một tuyển thủ bóng rổ đã về hưu Bill Russell. Ông mô tả rằng trạng thái dòng chảy giống như “chơi trong trạng thái tua chậm” vậy.


Đó là lý do tại sao khoảnh khắc khi chúng ta ý thức được trạng thái Flow, và bắt đầu suy ngẫm, cố gắng kiểm soát thì nó biến mất. Như vậy, rất nhiều hành động của chúng ta có vẻ như tự nổi lên từ một nơi vượt qua cả ý thức. Nhà tâm thần học Carl Jung nhận ra rằng ý thức của chúng ta chỉ là một phần nhỏ nhoi của tâm thức. Chúng ta có thể so sánh ý thức giống như phần nổi của tảng băng trôi vậy, trong khi vô thức chính là phần lớn tảng băng vô hình ở dưới nước. Vậy nên, theo Jung, tâm thức tạo ra rất nhiều quá trình vô thức mà ý thức của chúng ta không nhận biết được. 


(Chú thích: Carl Gustav Jung là một bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng vì thành lập một trường phái tâm lý học mới có tên là tâm lý học phân tích (analytical psychology). Các Cuốn sách nổi tiếng của ông là  “Con người và biểu tượng”, “Thăm dò tiềm thức”, và “Bản đồ tâm hồn con người của Jung”. Các khái niệm như “Vô thức tập thể”, “Cái bóng”, “Mặt nạ”, “Nguyên mẫu”... đều do chính ông khởi xướng đầu tiên.)


Tương tự, Aldous Huxley cũng phân biệt ý thức chung và ý thức cá nhân. Ông nói rằng để “Thượng ngã” (Higher Self) hiển lộ thì bạn phải thư giãn ý thức của mình.

“Bản ngã giống như là hòn đảo nhỏ ở giữa không gian bao la của ý thức con người vậy — Nó cần phải được thả lỏng, bản ngã cố quá mức cho rằng nó biết tất cả bằng việc lý giải bằng ngôn ngữ.” —  Aldous Huxley, Thánh Linh trong bạn: Những bài viết chọn lọc về Khai Sáng  (Aldous Huxley, The divine within: Selected Writings on Enlightenment)


Bản ngã cần phải thư giãn để các sức mạnh nội tại được vận hành và để “Thượng ngã” được hiển lộ một cách tự nhiên. Trong tất cả các kỹ năng về tâm lý học, chúng ta có một điều thú vị về Luật của sự nỗ lực đảo nghịch: Chúng ta càng cố, mọi thứ càng tệ. 


HÃY ĐỂ HÀNH ĐỘNG DIỄN RA TỰ NHIÊN


Khi một người nào đó hỏi tác giả Charles Bukowski về cách ông ấy viết và sáng tác, ông chỉ trả lời: “Bạn không (...) bạn không cố viết. Điều này là tối quan trọng: đừng có cố, dù là vì sự đỉnh cao (Cadillacs), sự sáng tạo hay sự bất tử. Bạn đợi và nếu không có gì xảy ra, bạn lại đợi tiếp. Nó giống như là một con bọ ở trên tường. Bạn đợi cho nó tới gần bạn và khi đủ gần, hãy đập hay giết nó. Hoặc nếu như bạn thích vẻ bề ngoài của con bọ, hãy đem nó làm thú cưng.  


(Chú thích: Charles Bukowski (1920-1994) là nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Đức. Văn chương của Bukowski được chú ý vì sử dụng hình ảnh bạo lực và ngôn ngữ đồ họa trong thơ và tiểu thuyết miêu tả sự sống còn trong một xã hội thối nát, tàn lụi. Người đời gọi ông là "Nhà thơ vinh danh khu ổ chuột")


Chúng ta càng cố, mọi thứ càng tệ. Chúng ta càng theo đuổi những người mà chúng ta muốn, họ lại càng muốn chạy khỏi ta. Chúng ta càng muốn bán cái gì thì chúng ta lại càng bán được ít hơn. Nhưng nếu chúng ta không hành động gì cả thì chúng ta sẽ không thấy kết quả nào cả. Cho nên, chúng ta đang tìm kiếm một con đường trung dung giữa hành động và thư giãn, giữa sự cố gắng bằng ý thức và để hành động xảy ra tự nhiên. Ở một mặt khác, sự nỗ lực của ý thức có vẻ là cần thiết để phát triển những kỹ năng của chúng ta. Chúng ta cần phải luyện tập, học hỏi, suy nghĩ, thấu hiểu và lý giải. 


Ở khía cạnh khác nữa, sự vắng bóng của nỗ lực bằng ý thức và các hoạt động vận dụng trí óc có vẻ như cần thiết để các kỹ năng đã được tôi luyện được hiển lộ một cách tự nhiên. Chúng ta cần phải làm dịu tâm trí và “thoát khỏi con đường quen thuộc” để thực thi một cách tốt nhất. Như Aldous Huxley đã viết: “Hãy lấy một giáo viên piano làm ví dụ, ông ấy luôn nhắc nhở thư giãn, thư giãn và, thư giãn. Nhưng làm sao bạn có thể thư giãn khi mà những ngón tay của bạn đang phải chạy theo các phím đàn? Cho dù là vậy, họ vẫn phải thư giãn. Giáo viên thanh nhạc và huấn luyện viên golf cũng nói y hệt vậy. Và trong lĩnh vực của các thực tập tâm linh, chúng ta phát hiện ra rằng các bậc thầy dạy về cầu nguyện cũng bảo như thế. Chúng ta phải xoay sở để kết hợp giữa thư giãn và hành động. 


Đối với những người đã trải nghiệm trạng thái Flow, họ cảm thấy nó phụ trợ cho sự minh mẫn và sự thư thái. Khi các vận động viên, nhạc sĩ, ca sĩ, vận động viên đua xe công thức 1, và các võ sư trải nghiệm trạng thái “tập trung cao độ” (being in the zone), họ không lưỡng lự, lo lắng, phân tích, lý giải, hay nghĩ về bước kế tiếp. Họ chỉ thuận theo dòng chảy của tự nhiên, như thể chính họ hoà vào nó vậy. Vậy nên, có vẻ thật là ngược đời khi các hành động hiệu quả nhất lại yêu cầu chúng ta phải thư giãn, ngừng cố gắng, và để các hành vi của chúng ta tự nổi lên và xảy ra một cách tự động. Hay giống như Lão Tử nói rằng: “Ngươi có thể giữ vững tâm trí thanh bình đến khi hành động tự hiển lộ không?”


Tác giả: Einzelgänger 

Biên dịch: Adam Ngo

Re-up từ trang Triết Học Đường Phố 2.0

Được tạo bởi Blogger.

🙏 ỦNG HỘ CHÚNG MÌNH -Người nhận Nguyen Huu Cuong Số tài khoản:0541000172196 Ngân hàng:Vietcombank