"Theo tư tưởng của Lão Tử, toàn thể vũ trụ chịu sự chi phối theo những quy luật nhất định, và một trong số đó là luật quân bình.
Luật quân bình có nghĩa là không nên làm điều gì vượt quá giới hạn mà phải biết đủ, biết dừng, bởi, theo như Lão Tử nói: “biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. Đây được xem là một trong những luận điểm có giá trị rất lớn trong triết lý nhân sinh của ông để lại cho hậu thế về quy tắc ứng xử.
Khi xây dựng luật quân bình, Lão Tử dựa trên tư tưởng của dịch học để bàn về thế cân bằng của trời đất, vạn vật. Nó làm cho vạn vật giữ được trạng thái cân bằng, không thiên lệch hay bất cập. Theo đó, “khuyết thì lại toàn vẹn. Cong lại thẳng. Trũng thì lại đầy. Cũ thì lại mới. Ít thì thêm. Nhiều mê muội” (Đạo đức kinh)
Biểu tượng của luật quân bình chính là nước. Nước đặc điểm nổi bật là mềm mại, gặp chỗ trũng thì chảy vào, gặp chỗ đầy thì chảy ra, lánh cao mà tìm thấp, nhờ vậy mà ngày đêm chảy mãi không ngừng, lên trên thành mưa thấm nhuần vạn vật, xuống dưới thì thành sông lạch tưới mát muôn loài.
Con người khi sống theo luật quân bình sẽ có lối sống hòa hợp với quy luật của Đạo, sẽ vững vàng tồn tại như đất trời mà không gặp tai hoạ, phải sống sao cho: “Không xem mình là sáng, nên sáng; không cho mình là phải, nên chói; không cho mình là có công, nên có công; không khoe mình, nên đứng đầu; chỉ vì không tranh, nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình” (Đạo đức kinh)"
Người trí thức biên soạn.
---